Nhằm cung cấp tài liệu giảng dạy, học tập cho giảng viên, sinh viên các trường đại học theo chương trình mới, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt chương trình, giáo trình sử dụng chung các môn lý luận chính trị đối với đào tạo trình độ đại học chuyên về lý luận chính trị và không chuyên về lý luận chính trị.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là đơn vị phối hợp với Bộ GD&ĐT biên soạn, biên tập, xuất bản bộ giáo trình lý luận chính trị gồm 10 cuốn giáo trình dành cho bậc đại học hệ chuyên và không chuyên lý luận chính trị. Bộ giáo trình dự kiến sẽ ra mắt độc giả lần lượt trong tháng 3, tháng 4 năm nay.
Việc biên soạn, biên tập, xuất bản bộ giáo trình nhằm thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đặc biệt là Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân” và Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị”.
Trước bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân, trong đó có sinh viên, đồng thời thực tiễn giảng dạy các môn lý luận chính trị - môn học mang tính đặc thù trong giảng đường đại học đã đặt ra một yêu cầu cấp bách, đó là sự cần thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của hội nhập trong thời kỳ mới. Muốn dạy và học lý luận chính trị hiệu quả, cần phải có một bộ giáo trình được biên soạn mới.
Dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT, trực tiếp là Ban Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình lý luận chính trị, việc tổ chức biên soạn bộ giáo trình các môn lý luận chính trị được thực hiện nghiêm túc, công phu, cẩn trọng với nguyên tắc phân định rõ nội dung của từng đối tượng học, từng cấp học, bậc học, tránh trùng lắp, đồng thời, bảo đảm tính liên thông.
Phương châm của đổi mới việc học tập lý luận chính trị là cùng với đổi mới về nội dung phải đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng sinh động, mềm dẻo, phù hợp với thực tiễn cũng như đối tượng học tập; tạo được sự hứng thú và có trách nhiệm cho người dạy và người học.
Đối với sinh viên đại học hệ không chuyên lý luận chính trị, phải xây dựng các bài giảng chung, tổng hợp các vấn đề cơ bản nhất về Chủ nghĩa Mác-Lênin, trọng tâm là về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng. Sinh viên hệ chuyên lý luận chính trị cần học tập các kiến thức sâu rộng, đầy đủ hơn, phù hợp với yêu cầu đào tạo.
Sau khi rà soát, cấu trúc lại, chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị mới đã được biên soạn và được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua bao gồm 5 môn: Triết học Mác-Lênin, Kinh tế Chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa Xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tương ứng, bộ giáo trình lý luận chính trị của NXB Chính trị quốc gia Sự thật gồm 5 môn, chia làm 10 cuốn dành cho bậc đại học hệ chuyên và không chuyên lý luận chính trị. Trước đây, do không có sự phân biệt giữa sinh viên chuyên ngành lý luận chính trị với sinh viên không chuyên lý luận chính trị gây ra nhiều khó khăn trong quá trình dạy và học.
Trong quá trình biên soạn, tập thể các tác giả đã kế thừa nội dung các giáo trình do Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn; đồng thời, tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhiều tập thể cũng như cá nhân các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học trong cả nước.