Những quy định có lợi cho thí sinh
Điều đầu tiên phải nói đến đó là về tổ chức cụm thi, có những điểm rõ hơn so với dự thảo.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT tổ chức cụm thi, gồm: Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụm thi này tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT.
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Như vậy, cách tổ chức cụm thi ở địa phương có ưu điểm là thí sinh sẽ không phải di chuyển nhiều, được thi ở gần nhà, điều này rõ ràng là một thuận lợi. Tuy nhiên, việc tổ chức thi ở những cụm này vẫn phải đảm bảo tính nghiêm túc.
Có một điều cần lưu ý là: Việc tổ chức 2 cụm thi do trường ĐH chủ trì và do sở GD&ĐT chủ trì, sau này kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT, trường ĐH và sở GD&ĐT phải chuyển giao kết quả như thế nào, ai quản những kết quả này? Đây là điều phải tính đến.
Quy chế chính thức cũng giữ nguyên thang điểm 10. Theo NGND Hà Xuân Quang, đây cũng là việc rất hợp lý, tránh tạo tâm lý xáo trộn cho cả học sinh và người tổ chức thi.
“Thực ra, về mặt kỹ thuật, thang điểm 10 hay 20 cũng không có gì khác nhau. Nếu điểm 10 chấm chi tiết đến 1/4 điểm thì cũng tương tự như thang điểm 20 mà chấm chi tiết đến 1/2. Tuy nhiên, sự thay đổi thang điểm - cái mới - sẽ phần nào gây xáo trộn tâm lý, khiến học sinh lo lắng” - NGND Hà Xuân Quang cho hay.
Riêng việc miễn thi ngoại ngữ với những thí sinh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, NGND Hà Xuân Quang rất ủng hộ điều này và cho rằng, đây là cách làm đúng, có thể tạo động lực, khuyến khích học sinh nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình.
Sẵn sàng nếu được giao chủ trì cụm thi
Mặc dù cho đến nay chưa nhận được thông tin chính thức về việc được giao chủ trì một cụm thi THPT quốc gia, tuy nhiên theo NGND Hà Xuân Quang, nhà trường cũng đã chuẩn bị cho việc này.
Trường hợp nhận được trọng trách này, việc đầu tiên chúng tôi sẽ làm tiến hành khảo sát các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, các trường THPT xung quanh được dự kiến lựa chọn làm các điểm thi để xác định số lượng thí sinh tối đa mà trường có thể đảm nhận được.
Như mọi năm chúng tôi đã làm cho kỳ thi tuyển sinh vào trường, việc đánh giá, lựa chọn các điểm thi dựa trên nhiều yếu tố, như vị trí địa lý có thuận lợi cho việc ăn ở, đi lại của thí sinh, thuận lợi cho việc vận chuyển đề thi, bài thi, … hay không? Dựa trên số lượng, chất lượng phòng học có thể sử dụng làm phòng thi, ví dụ, số phòng thi phải đủ lớn để không phải thành lập quá nhiều điểm thi, diện tích phòng phải đủ lớn theo quy định, …
Những kế hoạch công việc liên quan đến tổ chức thi luôn được nhà trường xây dựng sớm. Vừa rồi, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng tuyển sinh và dự kiến tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục có một phiên họp nữa.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ chú trọng chuẩn bị tốt về nhân sự, vì có thể nói, đây là yếu tố mang tính quyết định. Cùng với việc lựa chọn đúng người đúng việc, chúng tôi rất coi trọng tập huấn thực hiện quy chế thi cho cán bộ, giảng viên, sinh viên năm cuối trước khi làm nhiệm vụ.
Việc tập huấn này sẽ được tổ chức riêng cho từng vị trí công việc. Ví dụ, tập huấn cho thư ký điểm thi, tập huấn cán bộ coi thi, tập huấn cán bộ chấm thi, …
Nội dung tập huấn nhấn mạnh đến trình tự các bước công việc cần thực hiện và các tình huống thưc tế cần xử lý, các sai sót thường gặp ở mỗi bước.
Nhà trường cũng chú trọng huy động sự tham gia của các lực lượng hỗ trợ như sinh viên tình nguyện; chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan ở các quận/huyện có đặt điểm thi để đảm bảo cung cấp điện ổn định, giao thông không bị tắc nghẽn, đảm bảo an toàn trong vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi…
Tôi rất đồng tình việc Bộ GD&ĐT giữ nguyên thang điểm 10. Vì quy định sử dụng thang điểm 20, ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm để làm tăng độ chính xác của việc chấm thi thực ra chỉ có ý nghĩa đối với chấm thi các môn tự luận.
Còn với môn thi trắc nghiệm, độ phân giải của kết quả thi là do số câu hỏi trong đề thi trong đề thi quyết định.
Đối với các môn xã hội và nhân văn như Văn, Sử, Địa, nếu chia ra quá nhiều ý nhỏ (20/0,25 = 80 ý nhỏ) như vậy sẽ rất khó xây dựng và thực hiện Hướng dẫn chấm – đáp án – thang điểm, nhất là trong điều kiện từ 2014, Bộ GD&DT đã bắt đầu ra đề thi theo hướng tăng cường đánh giá khả năng vận dụng và vận dụng sáng tạo kiến thức, kỹ năng vào giải quyết những vấn đề mang tính thực tiễn thông qua các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước, hoặc bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
Thêm vào đó, kết quả học tập các môn văn hóa ở THPT dùng thang điểm 10, điểm cộng ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ cũng dùng thang điểm 10, do đó để xét tuyển ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, các trường sẽ phải chuyển đổi điểm thi mỗi môn của thí sinh từ thang điểm 20 sang thang điểm 10.
Vì vậy, quy định sử dụng thang điểm 10 là hợp lý.