(GD&TĐ) - Đối mặt với tốc độ già hóa dân số và áp lực phải nhanh chóng cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), đảm bảo an sinh xã hội, đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách trong việc nghiên cứu nhằm sửa đổi luật BHXH, dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2013…
Nguy cơ vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội
Luật hiện nay quy định mọi công dân Việt Nam ký hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên đều được tham gia BHXH nhưng trên thực tế, việc thi hành luật vẫn là một thách thức lớn. Hiện nay, chỉ có khoảng 1/5 lực lượng lao động tham gia BHXH. Mặc dù nguồn thu BHXH bắt buộc đã tăng từ 6,3 nghìn tỷ năm 2001 lên 89,6 nghìn tỷ năm 2012. Trong khi năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, nghĩa là khi nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Nguyên nhân của già hóa dân số ở nước ta đang tăng một cách nhanh chóng được cho là tuổi thọ bình quân ngày càng tăng, tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm.
Già hóa dân số sẽ khiến cho sức lao động xã hội giảm, kéo theo hệ thống công ăn việc làm, an sinh xã hội cho nhóm này không thể đáp ứng kịp thời. Trong khi đó, 70% người già lại sống ở khu vực nông thôn, phần nhiều trong số này không có lương hưu và phải phụ thuộc vào con cái. Khi số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm đi cùng với chế độ lương hưu như hiện nay, quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt. Vì vậy, tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã khuyến cáo: Quỹ BHXH Việt Nam có thể bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt năm 2034, nếu không có thay đổi kịp thời về mặt chính sách.
Việc đầu tư sinh lời của quỹ BHXH chủ yếu là thực hiện mua trái phiếu Chính phủ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay nên lãi suất chưa cao, từ đó hạn chế khi nguồn sinh lời cho nguồn quỹ chủ yếu để điều chỉnh tăng lương cho người nghỉ hưu, gia tăng mức thụ hưởng cho người lao động đồng thời đảm bảo sự bền vững của quỹ BHXH trong dài hạn. Bên cạnh những tồn tại khó khăn của chính các doanh nghiệp, thì chế tài xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH còn thấp chưa đủ mạnh để răn đe, cũng là những nguyên nhân dẫn đến khả năng vỡ quỹ BHXH.
Già hóa dân số sẽ khiến không thể đáp ứng kịp thời an sinh xã hội |
Đảm bảo công bằng
Trong báo cáo được công bố tại hội thảo “Dự báo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và các khuyến nghị pháp lý” được tổ chức mới đây, đã đưa ra dự báo khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội hiện tại và phân tích những thay đổi chính sách có thể nâng cao tính bền vững của quỹ.
Nhằm đảm bảo tính bền vững của quỹ BHXH, ILO khuyến cáo Việt Nam nên tiến tới nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới lên 65, trên cơ sở những tiến bộ trong việc nâng cao tuổi thọ trung bình và giảm tỉ lệ giữa số người lao động và số người nhận lương hưu. Tăng độ bao phủ của chương trình bảo hiểm hưu trí và phát triển các chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Đồng thời thực hiện chế độ BHXH đảm bảo sự công bằng giữa khối công nhân viên chức nhà nước và người lao động trong khối tư nhân…
Để cả người sử dụng lao động và người lao động đóng góp bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập, thay vì lương cơ bản như hiện nay về mặt tích cực sẽ đảm bảo công bằng, nhưng mặt trái của nó lại là sự không đồng đều về đóng góp hiện tại và thụ hưởng về sau của người lao động. Tương tự, đối với việc nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 65, Việt Nam sẽ đối mặt với vấn đề giải quyết việc làm cho hơn một triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động mỗi năm, làm giảm nhiệt huyết và khả năng thăng tiến nghề nghiệp của lớp trẻ… Đây đang là những thách thức không nhỏ cho hệ thống BHXH nước ta hiện nay.
Anh Quang