… "Mười nghìn khát vọng được về bên nhau ..."

… "Mười nghìn khát vọng được về bên nhau ..."

(GD&TĐ) - Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách trung tâm tỉnh lỵ (thị xã Đông Hà) khoảng 38km về phía Tây bắc; cách quốc lộ 1A (ở đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20km về phía Tây bắc.

Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường  Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Chỉ huy xây dựng là Bộ tư lệnh sư đoàn 559 với sự tham gia của hơn 40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Ngoài ra còn có tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá xã Hoà Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính.

 

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam…

Quản trang- anh Hồ Tất Ái đã kể cho chúng tôi sự linh nghiệm ở nghĩa trang này. Các anh vẫn về, trong ánh trăng, tiếng gió, trong bước chân rầm rập bước quân hành…Mỗi lần muốn gặp các anh hùng liệt sĩ, anh và các đồng đội lại thắp hương, để cùng các liệt sĩ trở về với những tháng năm khói lửa chiến tranh và những gian khổ, đã qua. Nhận ra lòng mình se sắt, thắt lại trước tăm tắp những hàng bia mộ chí.

Chiều , khi ánh hoàng hôn ập xuống, có tiếng quạ kêu ở cuối nghĩa trang, tiếng chim vút qua rồi biến mất về phía bản xa. Bầu trời đục sẫm lại, để không gian nơi trở về mùa sắc tâm linh và xa vắng muôn thưở.

Đến nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trong những ngày tháng 7 đầy thương nhớ và tri ân, tôi bỗng chợt nhớ tới bài thơ “ Khát vọng Trường Sơn” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, khi anh cảm thức được sự đồng vọng của đồng đội trong tâm linh. Tôi cho rằng, đó không chỉ là thơ, mà là những tiếng chuông rơi vào cõi tâm linh-biến cõi hư thành cõi thực. Có một sự thật hơn mọi sự thật là các anh đang ở bên nhau, trong vòng tay chở che và ru êm của đất mẹ. Hàng vạn ngôi một chí có tên và không tên…đã và đang hiển hiện như một minh chứng của sự mất mát lớn lao, như một minh chứng của ý chí và sự vĩnh hằng…

Vâng, thơ chỉ nói lên một phần của tâm linh và sự mất mát. Nhưng ý nghĩa của sự sống đằng sau sự mất mát thì mãi mãi vĩnh hằng…

… “ Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn
Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn
Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc
Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta
Mười nghìn con đò thương về bến đợi
Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa...

Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa
Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn
Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương
Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng
Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng...

Mười nghìn khát vọng được về bên nhau !...”

(Khát vọng Trường Sơn-Nguyễn Hữu Quý)

 Tứ Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ