"Miếng bánh" Suez bị đe dọa

"Miếng bánh" Suez bị đe dọa

(GD&TĐ) - Hai tuần qua, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố cắt giảm viện trợ quân sự cho Ai Cập đang gây sốc. Washington ngừng giao cho Cairo máy bay trực thăng Apache, hệ thống tên lửa và phụ tùng xe tăng. Vào thời điểm hiện tại, một số chương trình hợp tác quân sự khác của Mỹ và Ai Cập vẫn tiếp tục hoạt động, tuy nhiên, xu hướng chấm dứt quan hệ đối tác quân sự giữa Mỹ và Ai Cập là chuyện hiển nhiên.

Hợp tác quân sự Mỹ-Ai Cập được bắt đầu sau thất bại của Cairo trong cuộc chiến Yom Kippur vào năm 1973. Khi đó, Tổng thống Ai Cập lúc bấy giờ là Anwar Sadat đã quyết định chuyển hướng sang hợp tác với Mỹ. Quan hệ đối tác quân sự Mỹ-Ai Cập ngày càng được phát triển kể từ khi Hosni Mubarak lên nắm quyền vào năm 1981. Trong hơn 30 năm qua, mỗi năm Mỹ viện trợ cho Ai Cập khoảng 1,5 tỷ USD.

Tại sao Washington ngừng hợp tác quân sự với Cairo?

Việc Washington từ chối hợp tác quân sự với Cairo tuyệt nhiên không vì khuynh hướng độc tài xuất hiện ở Ai Cập. Bao năm qua, nhà độc tài Mubarak vẫn được Mỹ tin dùng đó thôi. Quả thật, Washington sẵn sàng hợp tác với các chế độ độc tài miễn là chế độ ấy đảm bảo được lợi ích của họ.

Nguyên nhân mà chính quyền Barack Obama cắt viện trợ cho Ai Cập nằm ở chỗ khác. Đó là Washington không tin rằng chính phủ hiện tại của Ai Cập khó có thể bền vững. Không khí chống đối ở Ai Cập trong gần 3 tháng qua khiến Washington nghi ngờ về khả năng của chính quyền này và sau đó là tương lai của nó. Nhà Trắng theo dõi sát sao những gì đang diễn ra ở Ai Cập và họ tin rằng, Ai Cập không phải là địa chỉ tin cậy để có thể hỗ trợ về quân sự.

Theo các chuyên gia Mỹ sẽ có 3 kịch bản xảy ra với Ai Cập.

Kịch bản thứ nhất: Chế độ quân sự sẽ ra sức đàn áp những cuộc biểu tình chống đối và đất nước kim tự tháp sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Kịch bản thứ hai: Các thế lực Hồi giáo cực đoan sẽ dần dần kiểm soát các tỉnh, tạo ra những “ốc đảo” không chịu sự kiểm soát của Cairo.

Kịch bản thứ ba: Ai Cập sẽ mở rộng quan hệ đối tác với các chế độ quân chủ vùng Vịnh và tất nhiên, họ sẽ thỏa hiệp với các phong trào Hồi giáo.

Cả ba kịch bản trên đều đưa đến những bất ổn đối với Ai Cập. Trong khi đó, Washington chưa có một chương trình hành động rõ ràng sao cho phù hợp với mỗi kịch bản trên.

Theo các nhà phân tích, việc cắt giảm quan hệ đối tác quân sự Mỹ - Ai Cập khiến các nước trong khu vực phải theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại nước này. Israel lo ngại về triển vọng “Hồi giáo hóa” bán đảo Sinai. Các nước EU cũng lo ngại sự bất ổn tại Địa Trung Hải và đặc biệt ở kênh đào Suez.

j
An ninh của kênh đào Suez gắn liền với tình hình an ninh của Ai Cập

Không thể phong tỏa kênh đào Suez

Có thể nói, kênh đào Suez là con đường ngắn nhất nối Địa Trung Hải với Hồng Hải và là con đường vận tải quan trọng nhất đối với EU. Theo người đứng đầu chính quyền kênh Suez Ahmad Fadel, năm 2011 có tới 17.799 chuyến tàu đi qua kênh này. Trong trường hợp kênh đào Suez bị phong tỏa, EU sẽ phải sử dụng con đường hàng hải dài hơn (vòng qua châu Phi với một điểm dừng chân tại Cape Town) và thời gian cung cấp năng lượng ở EU sẽ kéo dài thêm khoảng 15 ngày.

Ngoài ra, việc phong tỏa kênh đào Suez sẽ khiến nhiều cảnh biển ở Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha và các nước khác bị tê liệt, trở thành những cái “ao tù”. Một thiệt hại kinh tế vô cùng khủng khiếp.

Những khó khăn về tài chính buộc chính quyền Ai Cập phải tăng 5% lệ phí cho các tàu chở dầu đi qua kênh Suez kể từ ngày 1/5/2013. Cuộc đảo chính quân sự ngày 3/7 năm nay đã đẩy giá dầu của thế giới lên đến 104 USD/thùng. Nguyên nhân hết sức đơn giản - thế giới lo ngại kênh Suez bị phong toả.

Đảm bảo an ninh cho kênh đào Suez là hết sức quan trọng. Trong bối cảnh Ai Cập rơi vào tình trạng bất ổn, Anh và Pháp sẵn sàng dùng mọi biện pháp, kể cả quân sự để đảm bảo con kênh tối quan trọng này không bị phong toả.

               Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ