Giáo sư - bác sĩ Ngô Gia Hy (trái) và bác sĩ Araki (Nhật Bản) - hai cố vấn chuyên môn, theo dõi sát ca mổ tách đôi cặp song sinh dính liền nhau Việt - Đức tại BV Phụ sản Từ Dũ |
Nhà giáo ưu tú, Giáo sư Ngô Gia Hy sinh ngày 16-6-1916 tại Tam Sơn, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. GS đã tham gia giảng dạy ở ĐH rất sớm: Năm 1948 - ĐH Y khoa Hà Nội, 1963 - ĐH Y Sài Gòn sau khi đỗ Thạc sĩ Y khoa tại Paris.; năm 1967 là Trưởng Khoa ĐH Y Sài Gòn; năm 1977-1995 - dạy ĐH Y Dược thành phố TPHCM với các chức vụ như Phó chủ nhiệm Khoa Y, Chủ nhiệm Bộ môn Niệu.
Là chuyên gia hàng đầu về niệu học, GS có nhiều công trình nghiên cứu về lao niệu, sỏi niệu, nhiễm trùng niệu, tạo hình đường tiểu. GS còn nghiên cứu về khí công, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền. GS là Tổng thư ký tập san Acta Medica VN và là Tổng biên tập tập san Thời sự Y dược học TP HCM
GS.Ngô Gia Hy |
Trong cuộc đời học thuật, GS đã công bố 160 công trình khoa học, bao gồm 7 cuốn sách, trong đó có các sách tra cứu như Xây dựng thuật ngữ y học, Từ điển Niệu học giải phẫu, nhất là nhờ cuốn Từ điển Niệu học giải nghĩa Việt - Anh - Pháp (700 trang) mà các chuyên gia ngành Y thế giới biết về GS. Được ca ngợi Thầy thuốc mẫu mực về y đức, GS lại là chuyên gia nghiên cứu viết nhiều sách về lĩnh vực này. GS được tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huy chương Vì thế hệ trẻ (1988), danh hiệu Nhà giáo ưu tú (1990), Huy chương Vì Sự nghiệp GD (1997), Huân chương lao động hạng ba (1999), giải thưởng Tôn Thất Tùng do Bộ Y tế trao (2004).
Với nền GDĐH VN, chúng ta mãi ghi nhận một cống hiến đặc biệt của GS ở chỗ ông là người sáng lập từ đề xuất ý tưởng rồi kiên trì tổ chức lộ trình để đến nay, khi GS đã về cõi vĩnh hằng mới thành hiện thực về mô thức trường ĐH tư thục của VN “không vì lợi nhuận” và theo các tôn chỉ tiến bộ theo mô hình ĐH tư thục truyền thống của Mỹ và một số nước phương Tây.
Khởi đầu, GS xin Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho thành lập trường ĐH tư thục “không vì lợi nhuận” tại TPHCM .Nhưng lúc bấy giờ mô hình ĐH tư thục còn xa lạ đối với VN nên Thủ tướng Võ Văn Kiệt chưa chấp thuận. Song không nản chí trong việc mở trường ĐH ngoài công lập, khi tuổi đời đã ngót 80, GS vẫn đứng đầu một nhóm trí thức trình hồ sơ lên Bộ GD&ĐT xin phép mở một trường ĐH dân lập. Bộ đã ủng hộ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị này.
Ngày 14/8/1995 Chính phủ đã ban hành Quyết dịnh số 470 về việc thành lập trường ĐH dân lập Hùng Vương. Năm 2008 trường đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho đổi tên thành trường ĐH Hùng Vương TPHCM ngày nay. Đặc biệt, với tư cách người sáng lập số một và là Hiệu trưởng đầu tiên của trường, chính GS đã xác định cơ sở chỉ đạo phương hướng xây dựng và phát triễn của trường. theo các tôn chỉ KHOA HỌC, PHÁT TRIỂN, ĐẠO ĐỨC và hoạt động theo các phương châm tiến bộ, trong đó có 2 phương châm quan trọng nhất “lấy chất lượng làm mục tiêu đào tạo hàng đầu” và “bất vụ lợi cá nhân”.
GS đã từ giã cõi đời ngày 6/10/2005 ở tuổi 90. Sau khi GS qua đời những ý tưởng chủ đạo của GS vẫn được những người kế tục đứng đầu là PGS TS Lương Ngọc Toản, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng quản trị khóa 3 và khóa 4 đương nhiệm của trường kiên trì thực hiện. Sau 15 năm hình thành và phát triển, đến 2009 trường đã đào tạo hơn 13.000 sinh viên ĐH, CĐ chính quy. Hàng năm, khoảng 80-100% SV tốt nghiệp có việc làm ngay, trong đó một bộ phận SV năm thứ tư đã ký được hợp đồng ngay trong thời gian thực tập và một số SV khác được các công ty, xí nghiệp lựa chọn cấp học bổng và đảm bảo việc làm sau khi ra trường. Hội đồng quản trị khóa 3 của trường đã kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn xây dựng trường theo phương châm “không vì lợi nhuận” và được các nhà nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn đã ký biên bản cam kết ở giai đoạn 1 đầu tư 50 tỷ đồng là vốn cấp cho trường vĩnh viễn không rút ra, lợi nhuận phát sinh sẽ tái đầu tư trở lại trường. Trên cơ sở có các nhà đầu tư như vậy, trường đã xây dựng đề án chuyển đổi trường từ loại hình ĐH dân lập sang loại hình ĐH tư thục trình lên Bộ GD&ĐT để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép trường chuyển đổi loại hình.
Ngày 19/05/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết đinh số 703/QĐ-TTg cho phép trường chuyển đổi sang loại hình ĐH tư thục. Thế là sau 15 năm những ý tưởng có tầm nhìn xa của GS Ngô Gia Hy đã được thực hiện: trường do GS sáng lập từ nay là trường ĐH tư thục và phương châm bất vụ lợi đã được khẳng định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Đây thực sự là một đóng góp hết sức có ý nghĩa của bậc Nhà giáo lão thành – Cố GS Thạc sĩ Ngô Gia Hy, nhà sáng lập trường ĐH tư thục “phi lợi nhuận” mang tính ưu việt , tiến bộ trong lịch sử phát triển nền GDĐH VN.
PGS.TS.Nguyễn Như Ất