(GD&TĐ) - Với thông điệp “Hãy tự tin, chúng tôi đi cùng bạn”, chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2011 được tiến hành tại 12 tỉnh, thành phố gồm Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Đăk Lăk, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nam Định và Hải Phòng.
Tại tỉnh Thái Nguyên, trong 2 đợt thi Đại học năm nay, sẽ có khoảng 70 nghìn thí sinh dự thi. Tỉnh đoàn Thái Nguyên đã thành lập 53 chốt "tiếp sức mùa thi". Ngay trong những ngày đầu ra quân, mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa, nắng thất thường nhưng chương trình đã tư vấn được cho hàng ngàn lượt thí sinh và người nhà thí sinh.
Tình nguyện viên tận tình chỉ đường cho thí sinh và người nhà |
Tại khắp các ngã ba, ngã tư, bến xe, ga tàu, cổng các trường đại học, cao đẳng có thí sinh dự thi đều có các chốt thanh niên tình nguyện. Để chuẩn bị cho chương trình tiếp sức năm nay, Tỉnh đoàn Thái Nguyên đã chủ động xây dựng xây dựng kế hoạch, lựa chọn hơn 500 đoàn viên thanh niên ưu tú, nhiệt tình, đủ sức khoẻ, có kiến thức để tham gia tập huấn, trang bị một số vật dụng cần thiết như áo thanh niên tình nguyện, thẻ đeo, cẩm nang tuyên truyền, sơ đồ địa điểm thi đại học trên địa bàn tỉnh... Nội dung tiếp sức là tư vấn, giúp đỡ thí sinh và người nhà thí sinh trong việc đi lại, tìm địa điểm thi, chọn nơi ăn, nghỉ trong các đợt tuyển sinh một cách khoa học, an toàn; khảo sát, liên hệ tìm nhà trọ, chỗ trọ giá rẻ và miễn phí cho thí sinh và người nhà; giới thiệu 1.000 chỗ trọ miễn phí, 15.000 chỗ trọ giá rẻ cho thí sinh và người nhà; phối hợp với lực lượng công an, quân đội và các cơ quan chức năng giải quyết các tình huống liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho thí sinh và người nhà...
Ngay khi vừa xuống xe khách, bác Vũ Văn Sinh ở Hải Dương đã kéo cô con gái năm nay thi Đại học tiến thẳng đến chỗ các thanh niên tình nguyện để hỏi đường, vừa lau những giọt mồ hôi, bác vừa nói "cứ thấy màu xanh của chiếc áo thanh niên, tôi đã thấy an lòng". Màu xanh ấy đã trở thành điểm tựa, niềm tin cho thí sinh, tạo nên ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người.
Bên cạnh các hoạt động tình nguyện của đoàn viên thanh niên, các trường đại học, cao đẳng có điều kiện còn đón tiếp thí sinh ở tại Ký túc xá với mức giá rất ưu đãi, miễn phí chỗ ở cho các thí sinh hộ nghèo, gia đình chính sách. Các phòng ở đều được xây dựng khép kín, điện, nước phục vụ 24/24 giờ. Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch có hơn 1.000 chỗ ở với phí 10.000 đồng/người/ngày; Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính có 1.000 chỗ; các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên có tổng số khoảng 10.000 chỗ ở... Thông qua Đoàn thanh niên các trường, các phường xã, nhiều gia đình cũng đăng ký được hỗ trợ chỗ ở, phục vụ ăn giá rẻ hoặc miễn phí. Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên và Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên dự kiến phối hợp nấu hơn 3.000 suất cơm chay và nước uống bữa trưa miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh.
Các tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi đang ngày đêm hoạt động tại bến xe, nhà ga Huế. (Ảnh trong đêm tại nhà ga Huế) |
Tại Huế: Đại học Huế đã tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh bước vào kỳ thi. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, Đại học Huế có tổng số 58.905 lượt hồ sơ ĐKDT, so với năm kỳ thi năm trước số lượng hồ sơ ĐKDT giảm khoảng 3.500 bộ. Trong đợt 1 này, ĐH Huế có 19.340 lượt hồ sơ ĐKDT, được bố trí tại 53 điểm thi với 518 phòng thi đạt tại trung tâm thành phố Huế. Đợt thi thứ 2, có tổng số 39.656 lượt hồ sơ ĐKDT, bố trí tại 57 điểm thi với 1.105 phòng thi trên toàn địa bàn thành phố Huế, TX Hương Thủy, Hương Trà và Phú Vang. Trong 2 đợt thi, Đại học Huế huy động 5.679 cán bộ coi thi và phục vụ thi.
Theo thông tin từ Ban Khảo thí-Đảm bảo chất lượng giáo dục (Đại học Huế) thì mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất sẵn sàng cho kỳ thi. Đại học Huế đã phối hợp với các lực lượng công an tỉnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ, công tác phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong quá trình kỳ thi. Trọng tâm là công tác chuẩn bị, in sao, vận chuyển đề thi, coi thi và chấm thi.
Điểm mới trong năm nay là Đại học Huế thực hiện tuyển sinh theo hình thức xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT đối với những thí sinh khiếm thị. Ông Hoàng Hữu Hà, Trưởng Ban Khảo thí-Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐH Huế) cho biết: “Đến thời điểm này, ĐH Huế đã xét tuyển được 10 thí sinh khiếm thính (8 thí sinh thuộc Sở GD&ĐT Thừa Thiên-Huế, 2 thí sinh thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh) thuộc khối C vào khoa Ngữ Văn (Trường ĐH Khoa học Huế) với 4 ngành đào tạo: Ngữ Văn, Công tác xã hội, Xã hội học và Đông phương học. Việc xét tuyển này, được căn cứ vào học bạ, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành học mà thí sinh đăng ký”.
Để tạo điều kiện thuận lợi và giúp thí sinh ổn định tâm lý trước ngày thi, Ban Khảo thí-Đảm bảo chất lượng giáo dục tiến hành cấp lại giấy báo thi cho những thí sinh chưa nhận được, điều chỉnh các thông tin sai sót cho thí sinh.
Đến trưa ngày 2/7, tại văn phòng Đại học Huế (số 2, Lê Lợi, TP.Huế) vẫn còn thí sinh đến để điều chỉnh và xin cấp lại giấy báo thi. Em Ngân Thị Binh (quê ở bản Chiềng Nưu, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) tâm sự: “Em vừa xuống bến xe phía Bắc Huế thì được các anh chị sinh viên trong đội Tiếp sức mùa thi hướng dẫn đường nên cùng bố tới đây ngay. Em rất lo vì chờ mãi mà không nhận được giấy báo dự thi. Trước đó, em có hỏi ở phòng GD&ĐT huyện nhưng vẫn không biết tại sao?”. Còn ông Ngân Văn Nhường, bố của em Ngân Thị Binh tỏ ra lo lắng: “Gia đình tui ở miền núi, mấy chuyện ni không được rành nên cha con tui mấy hôm ăn ngủ không yên”.
Ông Nguyễn Hồng Giang, chuyên viên Ban Khảo thí-ĐBCLGD cho hay: “Trong những ngày qua, chúng tôi tiến hành tiêp nhận và xử lý những thông tin sai sót chủ yếu là về: ngày, tháng, năm sinh, giới tính và một số trường hợp không nhận được giấy báo thi…Bên cạnh đó, chúng tôi luôn động viên thí sinh cùng người nhà yên tâm và chỉ dẫn thêm những thông tin khác nhằm tạo điều kiện tốt cho các thí sinh sẵn sàng cho kỳ thi”.
Cùng với đó, chương trình Tiếp sức mùa thi tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đang hoạt động rộng khắp tại tất cả các bến xe, nhà ga, các điểm thi, hệ thống các khu kí túc xá…trong suốt cả ngày lẫn đêm.
Tư vấn cho TS những điều cần thiết trước khi bước vào kỳ thi( Ảnh tại Đà Nẵng) |
Đà Nẵng: “Nóng” lên ở những ga tàu, bến xe Hàng nghìn TS đã bắt đầu đổ về Đà Nẵng, chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học đầy cam go, và đây cũng chính là thời điểm mà hơn 1.200 tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi (TSMT) cũng bắt đầu bù đầu với công việc giúp đỡ, hỗ trợ thí sinh từ nơi xa đến...
Ga Đà Nẵng, dù đã quá 12g trưa, nhưng các bạn tình nguyện viên TSMT vẫn chưa kịp có gì bỏ bụng vì những chuyến tàu liên tục vào ga. Cứ mỗi chuyến tàu về ga, các thí sinh đổ túa ra, rất đông các em còn ngơ ngác, bỡ ngỡ chưa biết phải làm thế nào để có thể tìm ra nhà trọ gần trường thi, và đi bằng phương tiện gì đến đó...Những câu hỏi được đặt ra và những tình nguyện viên với nụ cười luôn sẵn sàng trên môi, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cho các em.
Điểm tiếp sức bến xe, nhà ga được xem là các điểm trung chuyển. Từ điểm này, các em được hướng dẫn đưa về các điểm tiếp sức tại các HĐT, sau đó sẽ tiếp tục được tư vấn về các nhà trọ giá rẻ.
Giá cả xe ôm từ nhà ga, bến xe về các điểm thi đã được niêm yết chặt chẽ, cụ thể như: từ ga về ĐH Ngoại ngữ: 27.000đ, ga về CĐ Công nghệ 15.000đ, ga về CĐ Bách khoa 30.000đ... và cứ thế các tình nguyện viên thương lượng với các bác xe ôm đưa thí sinh về hội đồng thi của mình.
Ngô Quang Quý, sinh viên ĐH Ngoại ngữ, Trưởng điểm tiếp sức tại Ga Đà Nẵng vừa kết thúc tư vấn cho một thí sinh từ Quảng Trị vào thi, vội vàng chia sẻ: "Những ngày này trời Đà Nẵng rất nắng nóng, oi bức, rất nhiều bạn bị mệt, nhưng vẫn nỗ lực giúp đỡ các em thí sinh. Sau 5 ngày ra quân, đã có gần 200 em được tụi em tiếp sức tại điểm nhà ga".
2 điểm nhà ga, bến xe những ngày này, luôn thường trực hơn 10 tình nguyện viên "trực chiến" vào buổi tối. "Những chuyến tàu, xe đến vào buổi tối là các bạn TS cần mình nhất, bởi đêm hôm khuya khoắc ở một nơi xa lạ, sẽ rất bất an. Tụi em đông, nên thức trọn đêm cũng không hề gì, miễn là giúp đỡ được các em có được điều kiện tốt nhất!" Quý nói thêm.
Riêng bác Hà, một người chạy xe ôm lâu năm ở ga Đà Nẵng thì tỏ ra rất thân thiện. Bác bảo, hình ảnh của các bạn trẻ thức đêm hôm giúp đỡ những thí sinh đi thi làm các bác rất cảm động, nên có gì các bạn nhờ là bác sẵn sàng giúp ngay.
Trên forum của hội đồng hương Thanh Hóa, các bạn sinh viên đang học tại Đà Nẵng cũng đã lập nên một đội tình nguyện tiếp sức. Được sự thông qua của ban tổ chức TSMT 2011 tại Đà Nẵng, các bạn đã tình nguyện tham gia vào những đội TSMT tại các điểm trên địa bàn Đà Nẵng.
"Chúng em đều là sinh viên các trường ở Đà Nẵng, nhưng không được chọn vào đội tình nguyện tiếp sức chính thức của trường, nên với mong muốn và tâm huyết, chúng em đã thuyết phục được mọi người cho cùng tham gia hỗ trợ cho các thí sinh!" Lê Thị Thùy, sinh viên năm 3 ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cho hay lý do vì sao các bạn có mặt trong đội quân tình nguyện TSMT.
Và các bạn, với sáng kiến "Nhường phòng cho em tôi đi thi"- nhường phòng trọ vốn không được sử dụng trong những ngày hè, hoặc vẫn sử dụng nhưng cho các em được ở chung- đã kêu gọi được gần 100 chỗ trọ cho các em TS. "Chật chội một chút nhưng các em sẽ được tụi em hỗ trợ nhiều thứ, như kinh nghiệm thi, động viên tinh thần và sẽ giúp các em ăn, ở, đi lại được thuận tiện!" Thùy khẳng định.
Không chỉ dành phòng cho riêng thí sinh đến từ Thanh Hóa, mà tất cả các thí sinh ngoại tỉnh đều nằm trong danh sách giúp đỡ của các bạn.
Theo tin từ HĐTS ĐH Đà Nẵng, đã có 19 trường hợp sai sót về họ tên, ngày sinh, đối tượng ưu tiên được điều chỉnh giấy báo dự thi; 14 trường hợp khác do nhầm lẫn giữa 2 khối A và D thi vào Trường ĐH Kinh tế. Ngoài ra, còn có khoảng 300 trường hợp khác được cấp lại giấy báo dự thi.
ĐH Đà Nẵng lưu ý, ngoài nhầm lẫn về khối thi cần được điều chỉnh ngay, còn lại, những sai sót khác, TS có thể điều chỉnh tại buổi làm thủ tục dự thi.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, số lượng TS ĐKDT vào các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng tăng hơn 8.000 hồ sơ so với năm 2010. Đặc biệt, số lượng TS ở xa như Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang…, Bạc Liêu, An Giang… nộp hồ sơ ĐKDT vào các trường thuộc ĐH Đà Nẵng mỗi năm một tăng. TS lớn tuổi nhất là Nguyễn Quang Bình (1970), trú Núi Thành (Quảng Nam), ĐKDT ngành Luật học Trường ĐH Kinh tế, số báo danh DDQA.30715.
Phương Anh - Đại Thắng-Ánh Ngọc