(GD&TĐ)-Sáng nay (7/4), Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Công Khẩn; Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam PGS. TS Trần Đáng; Phó Trưởng ban nghiên cứu pháp luật kinh tế (Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư Pháp) bà Trần Thị Quang Hồng cùng tham dự hội nghị.
|
Hội thảo "Góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm" do VCCI tổ chức sáng nay 7/4. Ảnh,gdtd.vn |
Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội khóa 12 thông qua cùng với việc ban hành kịp thời các Nghị định quy định chi tiết thi hành các điều của Bộ luật và có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Tuy nhiên, dự thảo nghị định còn nhiều hạn chế, chưa tạo sự phù hợp, thống nhất hoàn toàn với các quy phạm pháp luật liên quan... Dự thảo vẫn sử dụng nhiều thuật ngữ chưa có sự nhất quán với Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu đề và nội dung trong cùng một Chương chưa thống nhất...
Mục tiêu đặt ra tại cuộc thảo luận này nhằm đưa ra những góp ý, làm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực thi Luật an toàn thực phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: dự thảo Nghị định cần nêu rõ tên các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương được giao trực tiếp thực hiện trách nhiệm hướng dẫn các đối tượng thực hiện đúng quy định của Luật cũng như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải đăng ký bản công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Về thực phẩm biến đổi gen, cần công bố cụ thể danh mục sinh vật biến đổi gen đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thực phẩm. Trên thực tế, những sản phẩm như: dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột, sữa chế biến...có thể chứa nguyên liệu có nguồn gốc từ sản phẩm biến đổi gen (ví dụ sữa đậu nành, sữa bột, tinh bột ngô, tinh bột sắn...). Như vậy, cần thiết phải có một Quy định rõ ràng về “thực phẩm biến đổi gen” trong phạm vi quản lý của Nghị định này.
Dùng cụm từ “hạn sử dụng” hay “sử dụng tốt nhất trước ngày” ghi trên nhãn mác của thực phẩm? bà Trần Thị Quang Hồng, Phó Trưởng ban nghiên cứu pháp luật kinh tế (Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư Pháp) nêu ý kiến: “Trước hết là vấn đề hạn sử dụng, theo tôi ban soạn thảo chưa làm rõ mục đích khi chúng ta đặt ra hạn sử dụng là gì.
“Hạn sử dụng” đặt ra đối với những sản phẩm thực phẩm mà sau hạn sử dụng ấy nó ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người và cần phải loại bỏ. Và “hạn sử dụng trước ngày” đặt ra đối với những sản phẩm mà sau thời điểm ấy không còn tốt như trước nữa và không gây hại cho sức khỏe con người. Chứ không phải cách tiếp cận của ban soạn thảo là sử dụng cho những trường hợp dễ bị hư hỏng do vi sinh vật hay khó bị hư hỏng. Nếu như dễ bị hư hỏng chúng ta có thể có hạn sử dụng ngắn hoặc khó hư hỏng chúng ta sẽ có hạn dụng dài, chứ không phải dễ bị hư hỏng mới có hạn sử dụng”.
Các đại biểu cũng khuyến nghị về việc quản lý an toàn thực phẩm tại nhà hàng cần quy định cụ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, thức ăn đường phố, căng tin… và phải có cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ tạm, các loại chợ địa phương.
Đinh Thúy