(GD&TĐ) - Ngày nay, kinh tế thị trường phát triển khiến cho nhiều gia đình trở nên giàu có. Khi bố mẹ trở thành đại gia thì con cái họ đi học đại học ở thành phố lớn cũng được thơm lây. Những phòng trọ VIP ở bên ngoài trường của sinh viên con nhà giàu khiến nhiều người ghen tị.
“Thượng đế” sinh viên
Có cầu ắt có cung là lẽ thường tình, đó là qui luật tất yếu của cuộc sống. Những cậu ấm cô chiêu sinh viên ra phố học nếu không muốn ở trong ký túc xá đã có ngay dịch vụ thuê nhà trọ VIP đáp ứng nhu cầu. Vì thế, xung quanh một số trường đại học nổi tiếng tại TP HCM và Hà Nội đã xuất hiện những phòng trọ hạng sang. Thường các chủ nhà xây phòng ở khép kín, diện tích từ 15 -20m2, có đầy đủ tiện nghi như tủ lạnh, tivi, Internet..., không khác gì một phòng ở của con nhà đại gia ở nhà. Thậm chí, ai có nhu cầu nấu ăn cũng có ngay một khu bếp xinh xắn.
Linh, sinh viên Báo chí năm thứ hai cho biết: Trước khi đưa em lên Hà Nội học, bố mẹ và các anh chị đều thống nhất thuê cho em chỗ ở tốt nhất ở ngoài trường để yên tĩnh học tập, tách khỏi môi trường nội trú đông đúc, thiếu tiện nghi, dễ bị bạn bè lôi kéo. Chính vì thế, căn phòng khoảng 16m2 có giá thuê phòng 4 triệu/tháng, cộng với tiền nước, thuê lao công dọn dẹp vệ sinh cầu thang hàng tuần mất thêm 450.000 đồng.
Tuy nhiên, trước khi trao trả tiền nhà cả năm, Linh và mẹ đã phải cùng ký vào bản hợp đồng có sẵn của chủ nhà. Nào là hiện trạng phòng ở có những đồ dùng gì, đánh mất sẽ bị phạt tiền bao nhiêu, là phòng VIP nên không được tự ý khoan, đóng đinh lên tường cũng như dán tranh ảnh, rồi cam kết trả tiền trọn gói cả năm, bên thuê phá hợp đồng bị phạt, mất toàn bộ số tiền đã trả cho chủ...vv.
Bỏ cả khoản tiền lớn ra trả cho chủ nhà, mẹ Linh không chút bận tâm bởi căn phòng sang trọng, chẳng khác phòng khách sạn ba sao. Vậy là, chỉ tính chi phí thuê chỗ ở cho Linh, mỗi tháng cũng mất khoảng 5 triệu vì tính cả tiền điện với mức 5.000đ một số. Trong khi đó, hiện một sinh viên ĐHSP Hà Nội 1 nhập học cũng chỉ đóng tiền ở ký túc xá 1.100.000 đ/năm.
Ở Hà Nội, đường Chùa Láng được mệnh danh là nơi tập trung nhiều xóm trọ dành cho sinh viên quý tộc nhất. Những ngôi nhà cổ, những vườn húng Láng đã dần thay thế bởi những nhà trọ sinh viên. Với xóm trọ sinh viên nhà giàu, ngoài yêu cầu phòng trọ VIP thì một điều kiện khác cũng được chọn lựa đó là đường vào nhà ở phải rộng, nếu ô tô vào được tận trong nhà thì càng tốt. Nhà thường xây cao 5 - 6 tầng, mỗi tầng chia thành 4 - 5 phòng cho thuê, tách biệt, chỉ có hành lang đi chung.
Phòng trọ hiện đại dành cho các SV “gia đình có điều kiện” Ảnh: Minh Tân |
Nhiễm thói hư tật xấu
Buổi chiều tối, chỉ cần ngôi nhâm nhi chén trà nóng bên đường Chùa Láng khoảng nửa tiếng sẽ dễ dàng bắt gặp sinh viên nhà giàu cưỡi những chiếc xe máy đắt tiền, giá cả trăm triệu. Thậm chí những con xế hộp đưa đón cũng thuộc hạng quí hiếm, biển độc đến từ ngoại tỉnh. Những bộ quần áo, những chiếc váy, túi xách, giày, dép vận trên người sinh viên nhà giàu cũng toàn là hàng hiệu. Điện thoại đời mới nào ra là họ có liền. Song, cuộc sống sinh viên nhà giàu trong những khu trọ hạng sang cũng bộc lộ nhiều thói hư tật xấu.
Chị Lan một chủ nhà trọ trên đường Chùa Láng cho biết: Thường sinh viên trong các khu trọ VIP chỉ thuê một mình một phòng chứ ít khi thuê ở chung. Bình quân mỗi tháng các đại gia cung cấp cho chi phí ăn, học, ở của con khoảng từ 10 - 15 triệu, một số tiền trong mơ với nhiều sinh viên nghèo.
Bên cạnh những sinh viên nhà giàu ham học, còn có một số ít vì sống xa nhà, ngoài tầm kiểm soát của bố mẹ đã sa ngã vào con đường ăn chơi, hư hỏng. Chủ một quán nước cổng Trường ĐH Ngoại Thương cho hay: Thường học kỳ năm thứ nhất các cậu ấm cô chiêu ở trọ chưa phá phách gì, vẫn thuộc diện ngoan. Tuy nhiên, sang học kỳ 2, họ nhiễm các tệ nạn xã hội rất nhanh. Như sinh viên T.T ở trọ phòng VIP trong ngõ sống chung với một cậu bạn trai bởi hôm nào cũng đến ở qua đêm. “Đêm hôm còn mang bồ bịch về phòng, tuy thế, tôi chả thèm quan tâm, chỉ cần sinh viên nộp tiền nhà đầy đủ, đúng hạn như hợp đồng là được rồi”, một chủ nhà trọ lý giải.
Cũng có sinh viên dù đã bị nhà trường đuổi học nhiều tháng nhưng vẫn giấu gia đình. Bố mẹ vẫn chi viện thường xuyên. Họ đâu có hay vì mải chơi lô đề, bỏ bê chuyện học hành, nợ lên nợ xuống, thi lại cũng không qua nên cậu quí tử đã bị nhà trường cho nghỉ học.
Là con cái đại gia, bố mẹ làm ăn buôn bán có máu mặt tại các tỉnh lẻ nên sinh viên nhà giàu tiêu tiền như rác. Vũ trường, quán bar với họ là thú vui không thể thiếu để khẳng định thương hiệu ta là con nhà giàu có, tiêu tiền không phải nghĩ.
Xã hội hiện đại phát triển, sự phân hóa giàu nghèo càng ngày càng rõ nét. Bố mẹ có của ăn, của để, con cái sẽ được chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn vì có điều kiện. Song, với những sinh viên con đại gia về thành phố lớn học tập, nếu bố mẹ lơi lỏng quản lý rất dễ bị cạm bẫy xã hội lôi kéo.
Vũ Kiệt