(GD&TĐ) - Năm nào cũng vậy, cứ vào cuối tháng Tám, đầu tháng Chín, khi mà năm học mới đã cận kề thì những giáo viên vùng cao lại đối mặt với nỗi lo thường trực, đó chính là việc làm thế nào để có thể duy trì sĩ số lớp học.
Đi dạy học như đi thám hiểm
Bữa cơm trưa không hề có thức ăn của lũ học trò nghèo bản Ón |
Sáng sớm, cô Phan Thị Phế (người dân tộc Dao), giáo viên Trường Tiểu học Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) lại lịch kịch chuẩn bị hành trang vượt núi, vào điểm trường lẻ ở bản xa để chuẩn bị cho năm học mới. Quãng đường từ thị trấn huyện Mường Lát vào đến bản Ón (xã Tam Chung), nơi cô Phế công tác khoảng 25km nhưng để hoàn thành một lần vượt núi đó là cả một thử thách. Cô Phế không thể tự mình đi xe máy vào bản mà đành nhờ đồng nghiệp chở vào.
Chở cô Phế, thầy giáo Lang Văn Long “cầm cương” xe. Con ngựa sắt của hai người cứ lồng lên mỗi khi hập xuống ổ gà, run lật bật khi trườn qua những đoạn đường lởm chởm đá. Mất khoảng hơn một giờ đồng hồ thì chúng tôi đến chân dốc Ngáp, cả đoàn tạm nghỉ để người lấy sức, cũng là chờ động cơ xe giảm nhiệt. Thầy giáo Long bảo “dốc Ngáp là thử thách hãi hùng nhất không chỉ với giáo viên mà cả bà con bản Ón. Dốc cao, nhiều đoạn cua gấp, một bên là vực sâu, lại dài dằng dặc nên nếu ta không nghỉ dưỡng sức thì khó lòng vượt qua. Nếu không cho xe nghỉ thì xe có tốt đến mấy chưa hoàn thành quá trình vượt dốc này đã bị trục trặc”.
Tiếng động cơ xe rền vang cả thung lũng khi chúng tôi vượt dốc Ngáp, vào đến bản Ón thì vừa tròn ba giờ rưỡi đi đường. Với khoảng thời gian đó người ta có thể “bay” từ Hà Nội vào tới thành phố Hồ Chí Minh bằng máy bay hay chạy xe máy từ Thanh Hóa ra tới Hà Nội, còn chúng tôi, đó là quãng đường 25km đường rừng từ trung tâm xã Tam Chung vào bản Ón.
Vào bản, ngoài hành trang nhà giáo cô Phế còn mang theo cả gạo, mì tôm, cá khô, muối, dầu ăn… tất cả đảm bảo cho một tuần “cắm bản”. Giữa trung tâm bản Ón, khu trường của 98 học sinh là dãy phòng học tranh tre nứa lá đúng nghĩa. Trường là nếp nhà cấp bốn được dựng lên bằng thân cây rừng, mái lợp cỏ tranh, bên trong chia thành bốn ngăn cho 4 lớp học. Mỗi lớp được cách ngăn bằng vài tấm ván gỗ, bàn ghế đều là những tấm ván gỗ dân bản ghép lại. Bản Ón có 4 lớp học của bốn trình độ: lớp 1 có 19 học sinh, lớp 2 có 23 học sinh, lớp 3 có 18 học sinh và lớp 4 có 38 học sinh.
Cô giáo Ngô Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu năm học là nỗi lo về việc duy trì sĩ số lớp học lại luôn thường trực. Năm nào cũng thế nhà trường lại phải rải tất cả giáo viên vượt núi vào bản, đến tận nhà dân gặp phụ huynh để vận động cho học trò đến lớp. Bởi lẽ một bộ phận phụ huynh chưa coi trọng việc học hành của con cái bằng việc vào rừng làm rẫy. Ngoài ra cũng nhiều học sinh quên mất rằng đã đến ngày khai trường. Chính vì vậy việc vận động học sinh đến lớp năm nào cũng phải triển khai”.
Theo cô Lan không hẳn học sinh không ham học mà vì bản làng ở cách xa trung tâm quá, học sinh không thể đến lớp. Như ở bản Ón (xã Tam Chung) có tới ba khu dân là Ón 1, Ón 2 và Ón 3, nếu cứ yêu cầu học sinh đi học ở điểm trường chính, cách xa bản tới 25 km đường rừng thì hầu như các em sẽ bỏ học hết. Chính vì vậy, năm 2010 điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Tam Chung được mở tại trung tâm bản Ón. Điểm trường lẻ đã giải quyết được nhu cầu học tập cho 4 trình độ từ lớp 1 đến lớp 4, học sinh lớp 5 được đưa ra khu trung tâm học tập.
Lớp học của cô và trò ở bản Ón, xã Tam Chung |
Những tín hiệu vui
Ở huyện nghèo vùng cao, biên giới Mường Lát, việc học sinh nghỉ học đứt quãng phổ biến nhất vào các thời điểm đầu năm học, mùa làm rẫy và dịp nghỉ Tết. Cuối tháng 8, đầu tháng 9 là thời điểm vất vả nhất của giáo viên trong công tác vận động học sinh đến trường. Cô giáo Ngô Thị Lan cho biết vẫn còn ¼ học sinh trong tổng số 539 học sinh của Trường Tiểu học Tam Chung, các giáo viên phải đến nhà vận động trực tiếp các em mới đi học.
Tương tự, thầy giáo Tào Văn Sinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 cho biết: “Vào đầu năm học mới chúng tôi đã phải cử 34 cán bộ giáo viên đến tất cả 10 thôn, bản để kết hợp với chính quyền địa phương vận động học sinh đến trường. Phần lớn học sinh trong kỳ nghỉ hè đều lên nương rẫy cùng gia đình vì thế việc phải đi vận động học sinh đến lớp là điều không thể tránh khỏi. Toàn trường có 436 học sinh (70% thuộc diện hộ nghèo) trong đó số học sinh phải đi vận động đến lớp chiếm khoảng 10%”.
Nhận định về những gian nan trong công tác vận động học sinh đến trường, duy trì sĩ số lớp học ông Tống Minh Tới - Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Lát cho biết: “Ở vùng cao, học sinh thường nghỉ học giữa chừng vào 3 thời điểm. Vào tháng 3 âm lịch, khi vào mùa phát nương làm rẫy thì học sinh cũng thường theo bố mẹ lên nương, vừa là phụ giúp gia đình vừa là để tiện cho các gia đình trông coi con cái. Thời điểm thứ hai là vào tháng 8 âm lịch, đây là thời điểm thu hoạch mùa, học sinh cũng lại theo gia đình lên rẫy. Thời điểm đáng lo nhất là Tết Nguyên đán, học sinh thường nghỉ Tết kéo dài. Đặc biệt là học sinh dân tộc Mông, bà con thường ăn Tết kéo dài trong một tháng, chính vì vậy việc học sinh nghỉ học kéo dài vui Tết cùng gia đình là không tránh khỏi”.
Dù còn những trở ngại trong công tác vận động học sinh đến trường nhưng đầu năm học mới giáo dục vùng cao cũng ghi nhận những tín hiệu vui. Theo ông Tới, gần đây do Nhà nước có các chế độ dành cho học sinh vùng cao như: Hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ học sinh bán trú, hỗ trợ gạo ăn… nên số lượng học sinh tại huyện nghèo Mường Lát đi học tăng cao rõ rệt. Cũng căn cứ vào đó mà hiệu quả vận động học sinh đến lớp của các giáo viên đạt hiệu quả cao hơn.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Toàn - Trưởng phòng giáo dục huyện nghèo Quan Hóa cho hay: “Nhờ có những chính sách ưu việt của Nhà nước mà năm học này tỉ lệ học sinh chuyển cấp của Quan Hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tỉ lệ học sinh đăng ký vào cấp ba đã vượt mức tỉnh giao, là 453 em so với chỉ tiêu tỉnh giao là 405 em. Những năm trước tỉ lệ chuyển cấp từ THCS lên THPT chỉ đạt khoảng 50% thì nay đã đạt mức 76%”.
(Còn nữa)
Hoàng Dũng