"Cô gái vàng" một thuở

"Cô gái vàng" một thuở

(GD&TĐ) - Nép bên ngã ba Trần Xuân Soạn - Lò Đúc (Hà Nội) có một gánh hàng hoa quả và bánh mì. Chủ nhân là một người đàn bà gầy bị khuyết tật đôi chân, nhưng trên môi luôn nở nụ cười tươi tắn mời chào khách. Ít ai biết rằng người đàn bà đó chính là "cô gái vàng" của thể thao người khuyết tật - Nhữ Thị Khoa.

Chị Khoa bên những sọt hoa quả và bánh mì của mình
Chị Khoa bên những sọt hoa quả và bánh mì của mình

Số phận không may mắn

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con tại Ứng Hòa - Hà Nội, ngay từ khi sinh ra Nhữ Thị Khoa đã chịu cảnh khó khăn, vất vả, bữa đói bữa no cùng gia đình. Thế nhưng số phận còn nghiệt ngã hơn khi lên 3 tuổi sau một trận sốt bại liệt, chị đã vĩnh viễn không đi lại được.

Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè cùng trang lứa được cắp sách tới trường, chị cũng ao ước được đi học nhưng vì sức khỏe yếu, gia đình lại khó khăn nên chị đành kìm nén ước mơ tới trường. Hàng ngày, bố mẹ bận việc đồng áng, các anh, chị em người đi làm, người đi học, ở nhà một mình lại chẳng đỡ đần cha mẹ được việc gì, chị rất buồn...

Đến tuổi đôi mươi, thấy bạn bè đi làm ăn xa, đứa ra Hà Nội, đứa vào Nam... chị Khoa nảy ra ý định đi làm. Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, chị quyết tâm ra Thủ đô tìm một việc làm gì đó để nuôi sống bản thân, đỡ gánh nặng cho gia đình.

Ra đi với hành trang chỉ là một chiếc xe lăn, chị quyết định bắt đầu với công việc bán bánh mì. Những ngày đầu ở trọ ngay tại lò bánh mì trên phố Thanh Nhàn, chị đã rất nhớ nhà, nhớ quê. Nhưng rồi chị lại nhủ lòng, quyết không làm gánh nặng cho gia đình. Cô gái khuyết tật, ngồi trên chiếc xe lăn với thùng bánh mì ở ngã ba Trần Xuân Soạn - Lò Đúc với nụ cười thân thiện trở thành hình ảnh quen thân với mọi người.

Duyên nợ

Chị đến với thể thao như một duyên nợ. Khi đó, đang bán bánh mì thì chị gặp một người bạn cùng cảnh ngộ. Người bạn ấy đã rủ chị đến trung tâm thể thao luyện tập. Đắn đo suy nghĩ ít hôm, chị gật đầu đồng ý. 

Khi luyện tập, có lúc những lúc cảm thấy đuối sức nhưng chị không một chút mảy may có ý định bỏ cuộc. Và chính sự nỗ lực ấy đã mang lại cho chị những tấm huy chương Vàng sáng chói.

Nhữ Thị Thoa chia sẻ về những giây phút vinh quang: “Thể thao đã cho tôi những giây phút đáng sống nhất. Những khoảnh khắc được giơ cao những tấm huy chương, hát vang bài hát quốc ca trên đất nước bạn là những giây phút tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn bao giờ hết...”.

Cuộc sống đời thường

Rời đấu trường thể thao hào quang, chị trở về cuộc sống đời thường với thúng bánh mì trên chiếc xe lăn – kế sinh nhai đã từng nuôi sống chị bao năm qua. Và rồi số phận run rủi, năm 2006 chị lập gia đình với một anh buôn bán hoa quả kém chị 5 tuổi.

Hạnh phúc như vỡ òa khi chị sinh được cô con gái đầu lòng. Yến Chi là cái tên chị đặt cho con. Cô bé năm nay đã 6 tuổi, rất ngoan và biết thương mẹ. Những ngày con gái nghỉ học, chị vẫn thường cho cháu đi theo, hai mẹ con cùng ngồi bán hàng đến tận khuya mới trở về nhà. Ngôi nhà mà giờ gia đình chị đang ở là bằng số tiền bán bánh mì gần hai chục năm chị tiết kiệm được cùng tiền thưởng từ những lần thi đấu.

Vậy nhưng, cuộc sống vợ chồng chị lại không được trọn vẹn. Chị đỏ hoe mắt khi nói về chồng: “Tưởng rằng sẽ ở bên che chở, bao bọc, bù đắp cho những thiếu thốn của mình, hóa ra anh đã có gia đình riêng...”.

Giờ đây, tất cả mọi nỗ lực, cố gắng chị đều dành hết cho cô con gái nhỏ. Khó khăn trước mắt còn rất nhiều nhưng với một nghị lực dẻo dai luôn tiềm ẩn trong chị, tin rằng chị sẽ vượt qua.

HỒNG LIÊN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ