"Chuyện thường ngày" của các cơ quan phản gián

"Chuyện thường ngày" của các cơ quan phản gián

(GD&TĐ) - Đêm 13, rạng sáng ngày 14/5, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ Ryan Christopher Fogle khi đang cố gắng mua chuộc một nhân viên tình báo Nga. Theo FSB, Ryan Fogle là nhân viên CIA hoạt động dưới vỏ bọc Bí thư thứ 3 của Phòng Chính trị, Đại sứ quán Mỹ tại Moskva. Một số nhà phân tích cho rằng, vụ bắt giữ Ryan Fogle đang phủ bóng đen lên mọi nỗ lực hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ Nga - Mỹ trong thời gian qua. Tuy nhiên, không ít chuyên gia khẳng định đây là “chuyện thường ngày” của các cơ quan phản gián.

“Gặp bạn”  hay tuyển mộ điệp viên?    

Ngày 14/5 FSB ra thông báo: Vào 23h30 đêm 13/5, lực lượng an ninh đã bắt giữ Ryan Fogle trên đường phố mang tên Viện sĩ Pilyugin (Moskva) khi đang tuyển mộ một sĩ quan cao cấp đặc trách chống khủng bố ở Bắc Kavkaz của FSB. Bắt giữ Ryan Fogle, FSB thu được 2 bộ tóc giả, các thiết bị ghi âm, video, một lượng tiền euro lớn, 1 đèn pin, dao gấp, cặp kính râm, 1 la bàn, 1 bản đồ Moskva và một bức thư dành cho điệp viên tương lai. Trong thư “người bạn thân” sẽ được trả tạm ứng 100 ngàn USD và hứa sẽ trả 1 triệu USD/năm cùng tiền thưởng thêm cho “thông tin đặc biệt”.

Thư hướng dẫn điệp viên tương lai nên mở hộp thư Gmail và gửi các thông tin vào địa chỉ Unbacggda@gmail.com. “Chúng tôi mong được cộng tác với bạn trong tương lai gần”- Thư viết.

Theo Ria-Novosti, sáng thứ tư (15/5), Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul đã tới Bộ Ngoại giao Nga theo lệnh triệu tập của cơ quan này. Bước ra khỏi xe, Đại sứ McFaul bình tĩnh tiến tới khu nhà Bộ Ngoại giao Nga, giơ tay vẫy chào đám phóng viên nhưng từ chối trả lời những câu hỏi của họ. Trong 1 giờ đồng hồ, Đại sứ Michael McFaul phải chịu trận từ những lời chỉ trích của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov. Moskva đã phản đối hành động tuyển mộ điệp viên của Ryan Fogle - người đội lốt Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Mỹ và yêu cầu Ryan Fogle phải rời nước Nga trong thời gian ngắn nhất. 

Ryan Fogle và những tang vật bị bắt giữ tại Moskva
Ryan Fogle và những tang vật bị bắt giữ tại Moskva

Dư luận nói gì? 

Theo “Kommersant”, đến hôm nay Đại sứ quán Mỹ tại Moskva chưa có bình luận gì xung quanh vụ bắt giữ và trục xuất Ryan Fogle. Cơ quan ngoại giao hai nước cũng chỉ đưa ra những tuyên bố hết sức thận trọng về vụ bắt giữ này. Ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell ra tuyên bố: Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, việc bắt giữ nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Moskva không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước. Ngoài ra, Patrick Ventrell không có bình luận gì thêm.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga lấy làm tiếc vì sự cố này xảy ra đúng vào thời điểm hai Tổng thống Nga và Mỹ đều tái khẳng định sẵn sàng mở rộng hợp tác song phương.

Bình luận về việc bắt giữ Ryan Fogle, trợ lý của Tổng thống Nga về các vấn đề quốc tế Yuri Ushkov khẳng định: “Đây không phải là đoạn phim đặc biệt”. Yuri Ushakov ngạc nhiên rằng vụ tuyển mộ điệp viên của CIA “quá vụng về và thô lỗ” đến vậy. Yuri Ushakov nhắc lại chuyến công du Moskva mới đây của người đứng đầu FBI, theo đó hai bên thoả thuận sẽ cùng phối hợp hoạt động với tinh thần xây dựng, không chống phá lẫn nhau. Yuri Ushakov lấy làm ngạc nhiên rằng chủ trương “từ trên xuống dưới” của Mỹ có vẻ như không ăn ý.

Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông của cả Nga và Mỹ đều thảo luận sôi nổi về vấn đề này. Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (Nga) Vladimir Ovsyannikov tin rằng, việc bắt giữ điệp viên CIA Ryan Fogle cho thấy Washington muốn phá thế ổn định ở khu vực Bắc Kavkaz để Nga chỉ chuyên tâm vào giải quyết vấn đề nội bộ mà không làm “lá chắn” cho chính quyền Bashar Assad như hiện nay. Tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng toàn dân” Igor Korotchenko bình luận: “Sự kiện này làm tôi nhớ lại những gì đã diễn ra ở thời Xô Viết. Đó là việc bắt giữ Marta Petersong - nhân viên đại sứ quán Mỹ, khi cô này đến gặp “Trianon” trong phim “TASS được quyền tuyên bố”... Giờ đây, tình báo của họ nhận được đòn đau”.

Nhận định về vụ bắt giữ Ryan Fogle ở Moskva, tờ Washington Post viết: “Như là chuyện xảy ra vào những năm 1980. Tất cả đều được chuẩn bị sẵn theo kịch bản. Họ đã chuẩn bị sẵn camera, huấn luyện kỹ lưỡng nhóm vây bắt, tất cả để phục vụ cho quay phim”. Tờ Wall Street Journal cho rằng, việc trục xuất Ryan Fogle có thể là một nỗ lực của đường lối cứng rắn đối với Mỹ nhằm phá huỷ những nỗ lực tăng cường hợp tác song phương hay khả năng đặc nhiệm Nga muốn chỉ ra rằng, hoạt động tình báo là mối đe dọa lớn với đất nước của họ. Tờ The New York Times nhận định, vụ bắt giữ gián điệp Mỹ là “câu chuyện lạ kỳ”. Tờ báo đặt câu hỏi một đất nước có thể tiêu diệt khủng bố bằng máy bay không người lái lại có thể cử đến Moskva một người với bộ tóc giả, la bàn và bản đồ? 

Tuy nhiên, Thiếu tướng phản gián Nga (đã về hưu) Yuri Kobaladze lại cho rằng chẳng có gì giật gân trong vấn đề này. Bất cứ cơ quan phản gián nào (CIA không phải là ngoại lệ) đều phải tuyển dụng điệp viên. Và bất kỳ cơ quan phản gián nào cũng phải ngăn chặn việc này.

Trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang có những tín hiệu nồng ấm, vụ bắt giữ Ryan Fogle sẽ có ảnh hưởng nhất định. Các chuyên gia tình báo Nga cho rằng, người Mỹ sẽ lại bắt nhân viên sứ quán Nga tại Mỹ vì tội “làm gián điệp” rồi trục xuất trả đũa. Thông thường là vậy, tuy nhiên, nó không ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa V.Putin và Barack Obama sắp diễn ra. Tất cả đều hy vọng là như vậy.

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ