Sáng nay 23/11, sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật này.
Tại phiên biểu quyết, có 85,74% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.
Theo đó, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Với những điểm chính như thay vì nợ công được quản lý bởi 3 Bộ như trước đây thì theo Luật mới sửa đổi, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công.
Về xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nợ công, theo Luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức.
Về nguyên tắc quản lý nợ công được xác định, nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công.
Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giám sát quản lý nợ công sẽ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thực hiện theo pháp luật về quản lý nợ công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương vay, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay và phát hành công cụ nợ, phân bổ và sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, hiệu quả.
Về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Luật bổ sung quy định tổ chức tín dụng được lựa chọn là cơ quan cho vay lại phải đáp ứng điều kiện: Phải được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang bằng hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Về chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ, điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ, Luật bỏ quy định về danh mục chương trình, dự án xét cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 5 năm.
Về những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công, Luật bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm là vay hoặc cho vay không đúng hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật, …