Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 23/10/2017

GD&TĐ - Chiều ngày 20/10, Tổng thư ký Quốc hội khóa XIV Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ Họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Tổng thư ký Quốc hội khóa XIV Nguyễn Hạnh Phúc thông tin với báo chí về một số nội dung dự kiến sẽ được làm việc tại Kỳ họp thứ 4 tới đây
Tổng thư ký Quốc hội khóa XIV Nguyễn Hạnh Phúc thông tin với báo chí về một số nội dung dự kiến sẽ được làm việc tại Kỳ họp thứ 4 tới đây

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc vào ngày 23/10/2017 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 26 ngày (trong đó có 1 ngày thứ Bảy); Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 24/11/2017.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 đã đề ra.

Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng; sự giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, nền kinh tế nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức và có nhiều chuyển biến tích cực. Mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 cơ bản được hoàn thành, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp cuối năm của Quốc hội và theo thông lệ, đối với những kỳ họp cuối năm bên cạnh nhiệm vụ lập pháp, Quốc hội còn tập trung thời gian cho việc thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và các năm tiếp theo.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian xem xét, quyết định về vấn đề nhân sự.

Theo kế hoạch, Chương trình của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV gồm những nội dung chính như: Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các dự án luật gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng tại Kỳ họp, các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; Nghị quyết về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông;

Nghị quyết về việc thi hành Luật Quy hoạch; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu;

Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ; Nghị quyết về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (nếu không đề cập trong Nghị quyết khác của Quốc hội); Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới đây gồm: Luật tố cáo (sửa đổi); Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật an ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật đo đạc và bản đồ; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ