Phiên thảo luận dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tính toán trước những phát sinh có thể xảy ra
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự nói chung, công tác thi hành án phạt tù nói riêng; trong đó công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân trong việc cải tạo, giáo dục và chuẩn bị trước một bước giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, giảm áp lực của Nhà nước trong công tác quản lý giáo dục, chấp hành án phạt tù.
Đại biểu nêu quan điểm, hoạt động tổ chức cho phạm nhân học nghề, thực hành nghề lao động ngoài trại giam từ trước đến nay chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, nhưng trên thực tế có việc tổ chức, doanh nghiệp trong nước ký kết với trại giam trên toàn quốc để tổ chức thực hành dạy nghề và tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng không đưa ra ngoài, chủ yếu trong phạm vi của trại giam.
Tuy nhiên, trong những năm qua thực hiện việc hướng nghiệp, dạy nghề lao động cho phạm nhân gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là thực hiện trong trại giam, nhưng, cơ sở vật chất hạn chế, ngành nghề đào tạo không phong phú và chưa được đầu tư thỏa đáng.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: công tác phối hợp giữa địa phương, doanh nghiệp và trại giam trong hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành án phạt tù chưa được quan tâm đúng mức.
Thụ hưởng các thiết chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại các trại giam trú đóng trên địa bàn tỉnh, thành còn nhiều bất cập. Địa phương chưa dành nhiều nguồn lực và thời gian thực hiện các hoạt động này nhằm hỗ trợ tốt nhất cho phạm nhân….
Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết, đại biểu đoàn Tây Ninh đề nghị, cần quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thí điểm để đảm bảo yêu cầu về an ninh, an toàn giam giữ, quản lý phạm nhân, tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội cải tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Đại biểu nhấn mạnh, việc thực hiện thí điểm nhưng cũng phải tính toán trước những phát sinh có thể xảy ra trong thực tiễn, tránh hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.
Rà soát thêm các quy định đối với nữ phạm nhân
Quan tâm đến thời gian thực hiện quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị, chỉ nên quy định thời gian thực hiện thí điểm 3 năm.
Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ đảm bảo thống nhất với Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và đảm bảo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác này trong thời gian vừa qua; đảm bảo tính nhân văn.
Về quy định nhóm phạm nhân thuộc diện đưa ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo. Đại biểu đề nghị, quy định thêm quy trình lựa chọn đối với phạm nhân là phụ nữ, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, đang mang thai ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam.
Theo đó, quy trình lựa chọn theo hướng mở, nếu đủ điều kiện và tự nguyện thì được tham gia học nghề, lao động, nhưng nếu chưa sẵn sàng thì không phải tham gia, nhằm tạo điều kiện cho họ có sự lựa chọn trên tinh thần tự nguyện, tạo điều kiện chăm sóc con, chăm sóc sức khỏe khi đang mang thai.
Đại biểu Lò Thị Luyến nhìn nhận, quy định như vậy thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người, là cụ thể hóa tiếp theo trong tổ chức thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước ta được quy định trong Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự đối với người thi hành án phạt tù là phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Bày tỏ thống nhất cao với dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây là chính sách nhân văn nhằm giáo dục, cải tạo phạm nhân, đưa phạm nhân ra ngoài trại giam để hướng nghiệp, dạy nghề giúp phạm nhân có điều kiện sau khi mãn hạn tù về tái hòa nhập cộng đồng.
Đối với quy định tại Khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết về “Không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp sau”, đại biểu bày tỏ không thống nhất với quy định tại quy định “người tổ chức trong vụ án đồng phạm” trong dự thảo Nghị quyết. Đại biểu cho rằng quy định như trên là bất hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang phân tích, theo quy định của Bộ Luật hình sự, đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Khi xét xử một vụ án hình sự có đồng phạm, Hội đồng xét xử sẽ đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo để đưa ra mức hình phạt phù hợp với vai trò của từng bị cáo.
Theo quy định của dự thảo Nghị quyết, người tổ chức trong vụ án đồng phạm không đưa ra ngoài trại giam, lao động hướng nghiệp, dạy nghề bất kể phạm tội gì, mức án tuyên là bao nhiêu.
Đại biểu cho rằng, đây là bất hợp lý trong áp dụng chính sách hình sự. Nêu rõ, theo quy định trong dự thảo Nghị quyết, người tổ chức trong vụ án ít nghiêm trọng lại nặng hơn người thực hành, người giúp sức trong vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với lý do không có tổ chức, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng quy định như trên là bất hợp lý và là điểm mấu chốt, nếu không sửa sẽ tạo nên bất bình đẳng.
Dự thảo Nghị quyết quy định như trên không khác nào phạm nhân có mức áp thấp lại nguy hiểm hơn phạm nhân có mức cao trong khi tất cả phạm nhân đã được xét xử, tuyên phạt bằng bản án của Tòa án nhân dân.