Quốc hội thảo luận 2 dự thảo luật về giáo dục, ĐH Việt Nam lọt top 500 tốt nhất toàn cầu

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nhiều chính sách mới trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

Chiều 8/11, tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV, Quốc hội nghe và cho ý kiến lần đầu báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Luật Giáo dục (sửa đổi).

Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ năm do Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày cho biết: Ban soạn thảo đã phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn, rà soát các nội dung của Luật Giáo dục để sửa đổi một cách toàn diện.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bổ sung nhiều chính sách mới, cụ thể: bổ sung quy định không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; Nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm;

Báo cáo cũng giải trình, tiếp thu các nội dung khác trong Luật Giáo dục (sửa đổi): Các loại hình cơ sở giáo dục; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chính sách tín dụng sư phạm; chính sách cử tuyển;

Phổ cập giáo dục; giáo dục hoà nhập; chính sách tiền lương đối với nhà giáo; quản lý nhà nước về giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; đầu tư, tài chính trong giáo dục; Thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục;

Thi tốt nghiệp THPT và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông…

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Đồng thời cho rằng, nội dung sửa đổi đã cơ bản thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013.

Việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) 

Trước đó, ngày 6/11, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Trong đó nhấn mạnh, việc thông qua Luật Giáo dục ĐH tại kỳ họp này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý một cách kịp thời cho các cơ sở giáo dục ĐH phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH một cách thực chất.

Tin vui với giáo dục ĐH

Thông tin ĐHQH Hà Nội được xếp hạng Vật lý đứng thứ 502 toàn cầu được nhiều báo đưa tin trong tuần qua.

Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu (Best Global Universities rankings) lần thứ 5 năm 2018 được báo Tin tức Hoa Kỳ (US News) công bố. Theo đó, ĐHQG Hà Nội là cơ sở giáo dục ĐH duy nhất của Việt Nam có lĩnh vực Vật lý được xếp hạng, đứng thứ 502 toàn cầu với  41,4 trên tổng 100 điểm.

Bảng xếp hạng các trường tốt nhất về Vật lý dựa trên 11 tiêu chí với trọng số cụ thể như sau:

Uy tín nghiên cứu toàn cầu (12,5%), uy tín nghiên cứu khu vực (12,5%), công bố khoa học (15%), tác động từ trích dẫn chuẩn hóa (10%), tổng số trích dẫn (10%), số công bố khoa học thuộc top 10% được trích dẫn nhiều nhất (10%), tỷ lệ số công bố khoa học thuộc top 10% được trích dẫn nhiều nhất (5%), số công bố được trích dẫn cao thuộc top 1% công bố được trích dẫn nhiều trong lĩnh vực Vật lý (5%), tỷ lệ số công bố được trích dẫn cao thuộc top 1% công bố được trích dẫn nhiều trong lĩnh vực Vật lý (5%), hợp tác quốc tế (5%) và tỷ lệ công bố từ hợp tác quốc tế (5%).

Theo Zing.vn, ĐHQG Hà Nội có hai tiêu chí nổi bật là uy tín nghiên cứu khu vực (xếp thứ 62) và tỷ lệ công bố từ hợp tác quốc tế (xếp thứ 83).

Xếp hạng dựa trên các tiêu chí khác, trường dao động từ vị trí 252 (hợp tác quốc tế) đến 696 (công bố khoa học). 

Phương pháp xếp hạng của Bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất Toàn cầu của US News gồm 13 tiêu chí; thực hiện đánh giá 1.372 trường đại học và xếp hạng 1.250 trường đại học từ 75 quốc gia, dựa trên cơ sở dữ liệu của Clarivate Analytics InCites (Hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học ISI, hiện nay được duy trì bởi Clarivate Analytics, trước đây là phần kinh doanh Sở hữu Trí tuệ và Khoa học của Thomson Reuters).

Đại diện Trường Đại học FPT nhận Giải thưởng ASOCIO 2018 "Tổ chức đào tạo công nghệ thông tin xuất sắc” (Ảnh: Ban tổ chức)
Đại diện Trường Đại học FPT nhận Giải thưởng ASOCIO 2018 "Tổ chức đào tạo công nghệ thông tin xuất sắc” (Ảnh: Ban tổ chức) 

Giáo dục ĐH Việt Nam tuần qua cũng có thêm tin vui khi ĐH FPT được Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á Thái Bình Dương vinh danh ở hạng mục Đơn vị đào tạo Công nghệ thông tin xuất sắc năm 2018.

Đây là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng Đơn vị Đào tạo Công nghệ thông tin xuất sắc trong khuôn khổ sự kiện Gala Dinner của Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ thông tin ASOCIO vào ngày 8/11 tại Tokyo, Nhật Bản.

Giải thưởng này được Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á Thái Bình Dương trao cho các đơn vị, tổ chức giáo dục đi đầu trong việc đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo và phát triển công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Công nghệ thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ