184 trong số 200 đại biểu Quốc hội Phần Lan ủng hộ dự luật gia nhập NATO, trong khi đó 7 người khác bỏ phiếu trắng và 1 nghị sĩ vắng mặt. Để có hiệu lực, luật này phải được Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö ký.
Trước đó, ngày 28/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, việc Phần Lan và Thụy Điển nhanh chóng gia nhập NATO vẫn là một ưu tiên.
Theo ông, cả 2 ứng cử viên đều đáp ứng các yêu cầu mà Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra trong thỏa thuận 3 bên tại Madrid vào tháng 7 năm ngoái.
Ngày 18/2, ông Stoltenberg cho biết việc phê chuẩn các tài liệu cần thiết để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO đã diễn ra ở 28/30 quốc gia. Chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa phê chuẩn các tài liệu trên. Tổng thư ký của Liên minh công bố công việc tích cực ông đã làm để giải quyết vấn đề này.
Cụ thể, ông chỉ ra rằng đã đạt được thỏa thuận nối lại đàm phán và tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc 2 nước này gia nhập NATO. Ankara đưa ra 10 điều kiện để dỡ bỏ quyền phủ quyết tư cách thành viên. Trong đó có đề xuất ủng hộ cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố mà Thổ Nhĩ Kỳ công nhận, bao gồm có Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Ngày 1/2/2023, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đánh giá tích cực về cơ hội của Phần Lan, nhưng lưu ý rằng Helsinki nên có một "quan điểm phù hợp" để có được sự ủng hộ của Ankara.
Ngược lại, Bộ Ngoại giao Nga phản ứng gay gắt trước mong muốn gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Nga nhấn mạnh rằng theo cách trên, an ninh của 2 quốc gia này sẽ không được đảm bảo.