Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường ở 15 tỉnh, thành

GD&TĐ - Đoàn sẽ giám sát trực tiếp tại 15 tỉnh, thành về việc bảo vệ môi trường; đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, sáng 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành".

Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2025.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, nhóm giám sát gồm: Chính phủ; các Bộ thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng; UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Phạm vi giám sát: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024 và các thời kỳ trước và sau có liên quan.

Đoàn giám sát sẽ tổ chức 4 Phiên họp toàn thể, tổ chức 4 Đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 15 địa phương (Hà Nội, TPHCM Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Lâm Đồng).

Thời gian giám sát tại địa phương: Dự kiến từ cuối tháng 6 đến trước 31/7/2025. Đoàn giám sát cũng tổ chức làm việc với một số bộ, ngành liên quan.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” là chuyên đề rất nóng, rất trúng và đúng.

Do vậy, khi thực hiện công tác giám sát, Đoàn giám sát phải bám vào các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra.

Nêu ý kiến tại phiên họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đề cập đến vấn đề ô nhiễm ở Hà Nội và cho rằng nên có đánh giá tổng thể.

Ông Vinh cho rằng, Đoàn giám sát cần rà soát xem nguồn phát thải công nghiệp, các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội, cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm thế nào; nên kiểm soát bụi xây dựng phát sinh trong quá trình phát triển đô thị, vì thông thường tăng trưởng nóng sẽ gắn với bụi xây dựng.

Vấn đề ô nhiễm khu công nghiệp, xây dựng, khu nông nghiệp do đốt rác thải… cũng cần có giải pháp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, về vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Chính phủ và UBND TP Hà Nội cũng đã có giải pháp, nhưng đây là vấn đề cần được giám sát.

Ông Thành cho biết, sau đợt giám sát này, cần có hành động quyết liệt hơn, giống kinh nghiệm của một số quốc gia xung quanh, như Trung Quốc, phải có biện pháp mạnh mẽ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ