Các nội dung chính trong Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

GD&TĐ - Sáng 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 41, kéo dài 1,5 ngày. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng 6/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 41 – phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, với thời gian 1,5 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các nội dung:

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 4 dự án luật: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đây là nhóm luật đầu tiên (trong tổng số 10 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua) đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý rất khẩn trương để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay tại phiên họp này.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Hội đồng nhân dân các cấp.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2024; cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

khai-mac2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp.

Nhấn mạnh khối lượng công việc năm 2025 là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt lưu ý việc chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường tháng 2/2025.

"Tại Kỳ họp bất thường này, Quốc hội sẽ họp không tính thời gian, mà tính làm sao để hoàn thành các luật, nghị quyết phục vụ cho việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải sửa đổi nhiều luật, nghị quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và gần 300 luật liên quan tới chuyên ngành, tổ chức.

Bộ Tư pháp cũng đã tổng kết và cho biết, có khoảng hơn 4.900 văn bản liên quan đến điều chỉnh tổ chức, bộ máy.

“Trước Tết và sau Tết Nguyên đán sẽ có nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp bất thường này”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2025 có thể sẽ tổ chức thêm nhiều hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tăng cường công tác xây dựng luật.

Chủ tịch Quốc hội đã thống nhất với Thủ tướng về việc cơ quan soạn thảo luật sẽ tham gia từ đầu đến cuối, không phải chỉ tham gia 50% rồi giao cho Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, để bảo đảm tuổi thọ lâu dài cho văn bản luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ