Quân đội làm kinh tế là thực hiện ba chức năng
Nhất trí với quy định của dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), Đại biểu Lê Thị Nguyệt – Đoàn Vĩnh Phúc cho rằng, quy định của dự thảo vấn đề này thành 1 nguyên tắc tại khoản 4 Điều 4 và cụ thể hóa tại Điều 16 của dự thảo luật vì thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và ngược lại.
Dự thảo đã quy định nguyên tắc, chính sách lớn về sự kết hợp 2 chiều giữa quốc phòng và kinh tế - xã hội thể hiện sự gắn kết giữa 2 lĩnh vực này, có thống nhất quản lý điều hành của nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường nguồn lực nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta.
Tuy nhiên, để các văn bản lý luận của các bộ, ngành, địa phương có cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện, khắc phục thiếu sót, bất cập về quốc phòng với kinh tế - xã hội và ngược lại trong thời gian qua; Đại biểu Lê Thị Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cụ thể hóa các chính sách đó trong dự thảo luật.
Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: Hiện thực hóa quy luật dựng nước phải đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam |
Thống nhất với quan điểm quân đội nên làm kinh tế quốc phòng, Đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn Sóc Trăng cho rằng, quân đội làm kinh tế là thực hiện ba chức năng: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, đã được ghi vào các văn kiện Đảng, Nhà nước, đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và một số chuyên gia nước ngoài thừa nhận tính hiệu quả của quân đội khi tham gia lao động xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh.
Theo Đại biểu Vang, hiện thực hóa quy luật dựng nước phải đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam là sự cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm ra của cải, vật chất, trước hết nâng cao đời sống cho bộ đội, tu bổ nơi ở, nơi làm việc, củng cố trận địa, thao trường, bãi tập, làm cho quân đội ta mạnh lên, góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu thảo luận về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) |
Kết hợp nhiệm vụ kinh tế để dưỡng quân
Đồng tình với quan điểm của Đại biểu Vang, Đại biểu Ngô Trung Thành – đoàn Đắk Lắk nêu vấn đề: Trong thời bình, để duy trì tiềm lực quốc phòng tôi nghĩ rằng chúng ta phải có sự kết hợp cả nhiệm vụ kinh tế thì mới dưỡng quân được.
Theo Đại biểu Ngô Trung Thành – đoàn Đắk Lắk, vấn đề kinh tế - xã hội và kinh tế xã hội với quốc phòng thể hiện tại Điều 16 của dự thảo luật. Đại biểu thấy rằng, ở Điều 16 này có 2 nội dung lớn: Thứ nhất là kết hợp quốc phòng với kinh tế, xã hội và nội dung thứ hai là kinh tế, xã hội với quốc phòng. Thế nhưng thể hiện nhiệm vụ này ở khoản 2 Điều 16 có 6 điểm, các điểm b, c cho đến e chỉ đề cập đến vấn đề kết hợp giữa kinh tế, xã hội với quốc phòng.
Điểm a thì có cả kinh tế, xã hội với quốc phòng cũng như quốc phòng với kinh tế, xã hội. Tôi thấy nhiệm vụ này thiếu vắng nội dung, nhiệm vụ quốc phòng với kinh tế, xã hội. Điểm này chúng ta cần phải bổ sung thêm cho dầy dặn hơn nhiệm vụ kết hợp giữa phát triển kinh tế với nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta là quốc phòng.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu thảo luận tại hội trường |
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu về dự thảo Luật Quốc phòng (Sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, các ý kiến cho rằng việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, xã hội và kinh tế, xã hội với quốc phòng là nội dung lớn được quan tâm cơ bản tán thành với dự thảo. Việc quy định các nguyên tắc kết hợp trong luật là cần thiết để làm cơ sở cho việc triển khai, điều hành.
“Tuy nhiên, đây là nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư, do đó cần phải đánh giá kỹ, rà soát lại quy định, bảo đảm hợp lý, chặt chẽ, phù hợp với hệ thống của pháp luật, cần làm rõ phạm vi thẩm định, nhiệm vụ thẩm định của cơ quan quân sự các bộ, ngành” - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.