Quốc gia thành viên NATO gửi hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine

GD&TĐ - Hôm qua (8/4), Thủ tướng Slovania Eduard Heger cho biết Slovakia đã “tặng” hệ thống phòng không S-300 do Liên Xô sản xuất cho Ukraine – ông nói trong một bài đăng trên Facebook.

Hệ thống phòng thủ S-300.
Hệ thống phòng thủ S-300.

“Tôi có thể xác nhận rằng Slovakia đã tài trợ hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine dựa trên yêu cầu giúp đỡ trong việc tự vệ” – ông Heger nói. Thủ tướng Slovakia tuyên bố đây là một quyết định “có trách nhiệm” vì hệ thống vũ khí này “hoàn toàn là phòng thủ”.

Ông nói thêm rằng, an ninh của Slovakia không bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào qua động thái này. Bên cạnh đó, hệ thống phòng không của Slovakia sẽ được “tăng cường” trong “những ngày tới” nhờ nguồn cung cấp hệ thống phòng không bổ sung từ các “đồng minh”. Ông Eduard Heger không nêu tên các quốc gia dự kiến cung cấp vũ khí cho Bratislava.

Không rõ có bao nhiêu hệ thống đất đối không đã được chuyển tới Ukraine. Slovakia được biết là có một tiểu đoàn hệ thống phòng không do Liên Xô sản xuất sau khi Tiệp Khắc chia tách vào năm 1993. Thông thường, một tiểu đoàn S-300 bao gồm 12 hệ thống phóng tên lửa phòng không tự hành và một radar.

Ông Heger đưa ra thông báo trên trước khi tới Kiev vào hôm qua cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen để hội đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky.

Điều này diễn ra chỉ vài ngày sau khi truyền thông Mỹ đưa tin một số quốc gia Trung Âu, trong đó có Czechia đang xem xét khả năng cung cấp các cơ sở của họ cho Ukraine để sửa chữa các thiết bị quân sự bị hư hỏng. Praha cũng được cho là đã tặng các xe tăng hiện đại hóa do Liên Xô sản xuất cho Ukraine mặc dù các quan chức Séc không xác nhận cũng như bác bỏ những thông tin này.

Các quốc gia phương Tây đã cung cấp vũ khí, đạn dược và cả nhiên liệu cho Ukraine ngay sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự tại đây vào cuối tháng 2. Cho tới gần đây, hầu hết các vũ khí chuyển tới này bao gồm vũ khí nhỏ, tên lửa chống tăng và phòng không di động.

Moscow nhiều lần nói rằng nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine chỉ nhằm mục đích kéo dài cuộc xung đột ở quốc gia này. Họ thậm chí cảnh báo rằng lực lượng Nga có thể nhắm mục tiêu vào những chuyến chuyển vũ khí như vậy.

Trong khi đó phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với kênh truyền hình LCI của Pháp vào đầu tuần này rằng việc chuyển vũ khí như vậy khó có thể ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu trong hoạt động của mình ở Ukraine.

Moscow đã tấn công Ukraine vào cuối tháng 2 sau khi cho rằng Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minks được ký kết vào năm 2014. Nga đã công nhận 2 nước cộng hòa ly khai Donestk và Lugansk là các quốc gia độc lập. Nghị định thư Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai địa vị đặc biệt ở Ukraine.

Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa bằng vũ lực.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ