Quốc gia nào có tổng tài sản lớn nhất thế giới?

GD&TĐ - Theo một báo cáo mới nhất của công ty McKinsey&Co, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia tích lũy được giá trị ròng lớn nhất thế giới.

Tiền tệ Mỹ và Trung Quốc.
Tiền tệ Mỹ và Trung Quốc.

Theo Bloomberg, tài sản của Trung Quốc đã tăng vọt trong 2 thập kỷ qua. Tài sản ròng nước này đã tăng 17 lần từ 7 nghìn tỷ USD năm 2000 lên 120 nghìn tỷ USD năm 2020.

Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị tài sản ròng toàn cầu gia tăng trong thời kỳ đó. Năm 2000, quốc gia châu Á này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và có thể thúc đẩy sự đi lên của nền kinh tế.

Trong khi đó sự giàu có của Mỹ tăng lên gấp 2 lần trong khoảng thời gian. Theo McKinsey, Washington phải nhường chỗ cho Bắc Kinh trong danh sách 10 quốc gia giàu nhất thế giới vì giá trị tài sản ròng của Mỹ chỉ đạt 90 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

Ở cả 2 quốc gia, hơn 2/3 của cải tích lũy được nằm trong túi của 10% hộ gia đình giàu nhất và tỷ lệ này đang tăng lên.

Tổng cộng, tài sản toàn cầu đạt 514 nghìn tỷ USD vào năm 2020, tăng từ 156 nghìn tỷ USD vào năm 2000.

Khoảng 68% số tài sản này nằm trong bất động sản – McKinsey cho biết và nói thêm rằng tốc độ tăng trưởng của nó đã vượt qua mức tăng của GDP thế giới trong cùng thời kỳ. Sự gia tăng tài sản toàn cầu được thúc đẩy bởi giá bất động sản tăng cao. Công ty cũng cảnh báo giá trị bất động sản tăng cao có thể không bền vững.

Theo McKinsey, giá cả cao có thể khiến nhiều người không đủ khả năng chi trả để mua nhà ở và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính mới tương tự như đã xảy ra năm 2008 do bong bóng nhà ở Mỹ nổ. Lần này, nó có thể ảnh hưởng tới Trung Quốc do các công ty phát triển bất động sản của họ đang mắc nợ.

Công ty tư vấn trên cũng cho biết, giá tài sản sụt giảm có thể khiến 1/3 tài sản toàn cầu biến mất.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ