Quên rút đầu cắm điện khiến BrahMos bay nhầm sang láng giềng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo India Times, Không quân Ấn Độ (IAF) hôm 29/3 đã chính thức công bố nguyên nhân khiến tên lửa BrahMos phóng nhầm vào thành phố của Pakistan.

Tên lửa siêu thanh BrahMos.
Tên lửa siêu thanh BrahMos.

Nguyên nhân sự cố

Nguyên nhân vụ phóng nhầm tên lửa siêu thanh BrahMos sang lãnh thổ Pakistan hồi tháng 3/2022 được IAF tiết lộ trong tài liệu điều tra nộp lên Tòa án cấp cao Delhi.

"Các đầu cắm điện của bộ phận chiến đấu trên quả đạn vẫn được nối với hộp nối dây trong bệ phóng, dẫn tới sự cố phóng nhầm", báo cáo của IAF có đoạn viết.

Ủy ban điều tra thuộc IAF cho biết sự việc xảy ra khi khẩu đội BrahMos cơ động đến địa điểm diễn tập để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu.

"Chỉ huy đơn vị không kiểm tra liệu toàn bộ đầu cắm điện trên các quả đạn đã được ngắt khỏi bệ phóng trước khi diễn tập hay chưa. Kíp vận hành biết tình trạng của đầu cắm chiến đấu, nhưng không tìm cách ngăn chỉ huy phát lệnh phóng gây mất an toàn", IAF cho biết thêm.

Sau vụ việc, IAF đã sa thải 3 sĩ quan vì vi phạm quy định tác chiến được ban hành hồi tháng 3/2021.

"Vụ việc gây hiểm họa tiềm tàng với người, khí tài trên không và dưới mặt đất, làm tổn hại uy tín của không quân Ấn Độ và đất nước, cũng như gây thiệt hại 2,98 triệu USD với ngân sách quốc gia", ủy ban điều tra của IAF cho biết.

Một quả BrahMos bất ngờ phóng từ căn cứ quân sự bí mật tại miền bắc Ấn Độ ngày 9/3/2022, rơi xuống khu vực không có cư dân sinh sống gần thành phố Mian Channu ở miền đông Pakistan, cách biên giới khoảng 124 km. Vụ việc không gây thiệt hại về người và tài sản.

Phòng thủ Pakistan cho biết quả BrahMos đạt tốc độ gần 4.000 km/h và bay ở trần hơn 12 km trước khi xâm nhập vào sâu trong không phận nước này.

Pakistan chỉ trích sự cố và gửi công hàm phản đối đến New Delhi, cho rằng vụ phóng tên lửa có thể gây nguy hiểm cho các máy bay dân sự và nhiều hoạt động khác.

Tại thời điểm đó, Ấn Độ lập tức nhận trách nhiệm, gọi đây là "sự cố vô cùng đáng tiếc" và hứa điều tra ở cấp cao nhất. Pakistan yêu cầu điều tra chung, đặt câu hỏi về các quy trình bảo đảm an toàn tên lửa và hạt nhân của Ấn Độ.

Hiện trường tên lửa BrahMos rơi tại Pakistan.

Hiện trường tên lửa BrahMos rơi tại Pakistan.

Sức mạnh ít biết

BrahMos là tên hành trình siêu thanh, do Tập đoàn liên doanh hàng không BrahMos giữa tổ hợp DRDO của Ấn Độ và NPO Mashinostroyenia (NPOM) của Nga nghiên cứu, phát triển.

Là tên lửa siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình, BrahMos có thể phóng từ tàu nổi, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất.

Tên lửa BrahMos được đẩy ra khỏi ống phóng bằng động cơ tăng cường nhiên liệu rắn, giai đoạn 2 tên lửa hành trình đến mục tiêu bằng động cơ ramjet nhiên liệu lỏng.

BrahMos được tuyên bố là có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt nước với độ cao hành trình khi bay thấp hơn 10 m. Tên lửa di chuyển với tốc độ tối đa tương đương Mach 4 (gần gấp 4 lần tốc độ âm thanh).

Với vận tốc siêu nhanh, BrahMos có thể dễ dàng vượt qua hàng phòng thủ đối phương trước khi tấn công chính xác mục tiêu.

Điều làm nên sự đặc biệt của BrahMos là chúng có thể tích hợp trên nhiều nền tảng khác nhau, từ tàu chiến đến tàu ngầm, máy bay chiến đấu, thậm chí là bệ phóng cố định.

Tên lửa có thể được trang bị phần chiến đấu nặng 200-300 kg tùy yêu cầu của nhiệm vụ, với tầm bắn tiêu chuẩn 290 km. Với bản nâng cấp tầm bắn mở rộng, BrahMos có thể diệt mục tiêu ở khoảng cách gần 500 km.

BrahMos sử dụng hệ thống dẫn đường kết hợp dẫn hướng quán tính, hỗ trợ định vị địa lý tăng cường bằng GPS và radar chủ động giai đoạn cuối, bán kính lệch mục tiêu CEP chỉ khoảng 1 m.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.