Rất gần chiến thắng
Theo Reuters, tuyên bố được ông Benjamin Netanyahu đưa ra hôm 27/3 khi tiếp đoàn nghị sĩ Mỹ tại Jerusalem.
"Lực lượng IDF của chúng tôi đã hạ nhiều lãnh đạo cấp cao của Hamas, trong đó có thủ lĩnh số bốn và số ba của tổ chức này. Chúng tôi rồi sẽ hạ được thủ lĩnh số hai và số một của họ. Chúng tôi xem đó là thắng lợi. Chiến thắng đã trong tầm tay, chỉ còn cách vài tuần nữa", Thủ tướng Israel nói.
Nguyên thủ Israel tái khẳng định quyết tâm tấn công thành phố Rafah, được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng Hamas tại Dải Gaza.
Ông Netanyahu nói Tel Aviv "không còn lựa chọn nào khác" vì kế hoạch đưa quân vào Rafah sẽ "quyết định sự tồn vong" của Israel.
Đồng thời Thủ tướng Netanyahu kêu gọi các nghị sĩ Mỹ vận động đoàn kết lưỡng đảng ủng hộ Tel Aviv trong giai đoạn này.
Chiến dịch quân sự tại Gaza của Israel đang dần đánh mất ủng hộ của Washington vì kế hoạch tấn công thành phố Rafah. Giới chức Mỹ quan ngại Israel chưa vạch ra bất kỳ kế hoạch nào để di dời hơn một triệu người Palestine đang cư trú tại đây.
Hôm 27/3, khi tiến hành cuộc họp, ông Netanyahu tiếp tục lảng tránh đưa ra phương án sơ tán dân thường. Ông nói người Palestine tại Rafah có thể "tự thu xếp lều trại" rời bỏ Rafah, di chuyển về phía bắc Dải Gaza.
Thủ tướng Netanyahu thường xuyên hứa hẹn với công chúng về một chiến thắng toàn diện trước Hamas và tự hào về quyền ra quyết định độc lập của Israel, bất chấp căng thẳng với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông khẳng định Israel sẽ không nhượng bộ áp lực quốc tế trong cuộc chiến với Hamas. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần khẳng định lập trường phản đối Israel mở chiến dịch lớn vào Rafah.
Nguy cơ trả giá
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 25/3 thông qua nghị quyết "yêu cầu dừng bắn ngay lập tức" ở dải Gaza với 14 phiếu ủng hộ và Mỹ bỏ phiếu trắng.
Lá phiếu trắng của Mỹ được coi là bước ngoặt để nghị quyết được thông qua, bởi Washington trước đây luôn phủ quyết các đề xuất của Hội đồng Bảo an liên quan đến ngừng bắn tại Gaza, do cho rằng chúng có những điều khoản bất lợi cho Tel Aviv.
Diễn biến này cho thấy quan hệ Mỹ - Israel đã xuống thấp nhất kể từ khi chiến sự Gaza nổ ra tháng 10/2023.
Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Israel trong chiến sự Gaza, nhưng Washington và Tel Aviv dường như ngày càng bất đồng, đặc biệt là về kế hoạch tấn công thành phố Rafah ở phía nam dải đất.
"Động thái cho thấy niềm tin giữa chính quyền Tổng thống Biden và ông Netanyahu đang rạn nứt", Aaron David Miller, cựu đàm phán viên Mỹ về vấn đề Trung Đông, nói với Reuters.
"Nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết đúng cách, tình hình sẽ tiếp tục xấu thêm. Bởi trong cuộc trả lời trước truyền thông hồi đầu tháng 3, Tổng thống Biden nói ông coi Rafah là "lằn ranh đỏ", ông Miller cho biết.
Thủ tướng Israel đang mạo hiểm và dường như kỳ vọng ông Donald Trump, người luôn ủng hộ mình, sẽ đắc cử vào tháng 11.
Ông Netanyahu cùng phe cánh hữu trong chính phủ Israel cho rằng nếu trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ để Israel làm bất kỳ điều gì mình muốn, như sáp nhập Bờ Tây hay xây thêm khu định cư ở Gaza.
Và nếu phe Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện, mong ước của Israel có thể sẽ thành hiện thực.
Phóng viên Ben Caspit của tờ báo Do Thái Ma'ariv mô tả cách tiếp cận của ông Netanyahu là "ảo tưởng và đáng sợ", thêm rằng lãnh đạo này "đang đánh cược với liên minh chiến lược vốn là nền tảng cho an ninh quốc gia Israel".
Haaretz, tờ báo hàng đầu Israel, cũng có bài xã luận mô tả ông Netanyahu là người đang trở thành "gánh nặng đối với đất nước" khi kiên quyết khước từ các đề nghị hạ nhiệt chiến sự Gaza mà Mỹ đưa ra.
"Ông ấy đang để đất nước đối mặt các rủi ro chiến lược có thể phải trả giá rất nặng nề. Vì lợi ích chính trị của bản thân, ông ấy sẵn sàng gây tổn hại đến người dân Israel. Netanyahu phải từ chức và cho Israel cơ hội để thoát khỏi những thiệt hại ông đã gây ra", bài xã luận viết.