Tại Việt Nam, quấy rối tình dục tại nơi làm việc diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên việc khiếu nại về tình trạng này vẫn còn khá ít ỏi.
Lý do của sự im lặng
Mặc dù không có số liệu chính thức về vấn nạn này tại Việt Nam, nhưng theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Navigos Search vào năm 2015, khoảng 17% ứng viên nhân sự cấp trung được phỏng vấn cho biết chính họ hoặc một số người họ biết đã từng “nhận được những đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc.”
Các nạn nhân thường cảm thấy xấu hổ về tính riêng tư của chủ đề này. Nếu tố cáo, họ có thể bị từ chối thăng chức, sa thải, cắt thưởng hoặc bị gán cho là “kẻ gây rối”. Nỗi sợ bị trả thù tại nơi làm việc là lý do chính khiến nhiều nạn nhân chọn cách im lặng. Việc thực thi pháp luật còn yếu cũng dẫn tới việc một số nạn nhân không có nhiều động lực để tố cáo trường hợp của mình một cách chính thức.
Trong quá trình phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để đưa các nguyên tắc về việc làm thỏa đáng vào ngành dệt may thông qua chương trình Better Work (việc làm tốt hơn), ILO đã gặp một số trường hợp về quấy rối tình dục tại Việt Nam. Những trường hợp này thường có liên quan đến các đồng nghiệp ở cấp cao hơn lạm dụng công nhân ở cấp thấp hơn.
Không có sự thỏa hiệp
Thái độ đối với nạn nhân và người quấy rối đã bắt đầu được thay đổi qua việc pháp luật quốc gia, chính sách và sáng kiến của một số nhà tuyển dụng đã được điều chỉnh đúng hướng.
Bà Andrea Prince, chuyên gia Luật Lao động của ILO tại Việt Nam cho rằng: Điều cần hướng tới là bảo đảm không có một sự thoả hiệp nào đối với quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mới được công bố tháng 4/2019, dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực chống lại quấy rối tình dục tại nơi làm việc, là việc lần đầu tiên đưa vào luật định nghĩa về quấy rối tình dục.
Mặc dù chưa phản ảnh đầy đủ tất cả các khía cạnh của vấn đề, tuy nhiên định nghĩa đó sẽ giúp người sử dụng lao động và người lao động có thể hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình. Điều quan trọng nữa là cần có giải pháp thực thi mạnh mẽ và những hình phạt thích hợp.
Việt Nam đã phê chuyển Công ước của ILO về Phân biệt đối xử (Công ước 111), yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết bất bình đẳng giới, bao gồm các hành vi phân biệt đối xử về giới. Ngoài ra, một báo cáo của ILO và Bộ LĐ-TB&XH vào tháng 3/2013 cũng lưu ý rằng nếu không có một định nghĩa rõ ràng trong Bộ luật Lao động hoặc trong nghị định, người lao động Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước nạn quấy rối tình dục, và điều này hoàn toàn vi phạm các quyền cơ bản.