Chi 1,6 tỷ đồng xây trường để… bỏ hoang
Điểm trường tiểu học thôn Rào Trường nằm trên khu đất rộng, ở vị trí đắc địa của thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) được đầu tư xây dựng năm 2016. Công trình gồm 3 phòng học và nhà vệ sinh, với tổng kinh phí 1,6 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Linh làm chủ đầu tư.
Công trình được xây dựng dựa trên thực trạng mỗi năm thôn có khoảng 30 học sinh tiểu học, nhưng vì không có trường học, các thầy cô phải mượn phòng của Ban quản lý làng thanh niên lập nghiệp miền Tây Vĩnh Linh để giảng dạy, trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên việc dạy và học rất khó khăn.
Với mong muốn con em ở địa phương có chốn học tập an toàn, gần nhà, sau khi hoàn thành công trình này vào đầu năm 2017, chủ đầu tư đã bàn giao cho UBND xã Vĩnh Hà, Trường PTDTBT Tiểu học Vĩnh Hà quản lý, đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó đến nay, ngôi trường này chưa một lần đón học sinh đến học. Hơn 5 năm bỏ hoang khiến một số hạng mục trong công trình xuống cấp, nhếch nhác. Các phòng học bị hư hại, bong tróc, quạt trần đã hoen gỉ, cửa gỗ thì mối mọt đục khoét, gương kính nứt vỡ…
Thầy Phan Thanh Minh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Vĩnh Hà cho hay: Khi xây dựng điểm trường, phụ huynh tại địa phương rất ủng hộ. Thế nhưng, đến lúc công trình hoàn thành, phụ huynh lại không cho con em mình theo học mà chuyển sang trường khác.
Năm học 2017 - 2018, nhà trường và chính quyền xã Vĩnh Hà đã vận động phụ huynh cho con em đến học ở điểm trường Rào Trường. Thế nhưng, phụ huynh không đồng thuận vì không tin vào khả năng giảng dạy của giáo viên nhà trường.
Vì thế, những năm qua, phụ huynh thôn Rào Trường chỉ cho con học hết mầm non, đến lúc vào tiểu học thì đưa về quê nhà hoặc nhập hộ khẩu với người thân ở nơi khác có điều kiện, chất lượng giáo dục cao hơn để theo học. Chỉ còn 3 học sinh ở thôn Rào Trường vượt hơn 10km đến điểm trường chính của trường để học tập. Không có học sinh, nhà trường đã trả điểm trường thôn Rào Trường cho UBND xã quản lý.
Còn theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Hà, trước thực trạng điểm trường Rào Trường bỏ hoang lãng phí, địa phương đã kiến nghị UBND huyện, nhà trường nâng cao chất lượng giáo viên để phụ huynh tin tưởng, cho con theo học. Tuy nhiên, đến nay điểm trường này vẫn chưa thể hoạt động.
Sẽ chuyển mục đích sử dụng thành nhà văn hóa thôn
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Hải – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh cho biết 2 lý do khiến điểm trường thôn Rào Trường đến nay vẫn chưa được sử dụng.
Theo đó, trước năm 2016, làng thanh niên lập nghiệp miền Tây Vĩnh Linh (lấy thôn Rào Trường làm trung tâm) còn khá đông thanh niên đến lập nghiệp, sinh con đẻ cái. Vì vậy, địa phương cho rằng quy mô làng sẽ phát triển mạnh.
Hơn thế, thời điểm đó học sinh phải mượn phòng của Ban quản lý làng thanh niên lập nghiệp miền Tây Vĩnh Linh để học. Vì vậy, xây dựng điểm trường tiểu học thôn Rào Trường nhằm phục vụ việc học, đáp ứng quy mô dân số thời điểm đó.
Thế nhưng, ở làng thanh niên lập nghiệp đa số là lao động sống bằng nghề trồng rừng, thời gian nhàn rỗi nhiều. Ngoài căn nhà tạm được dựng xây ở đây, phần lớn mọi người đều có nhà cửa kiên cố tại quê nhà. Vì vậy, họ đã chọn đưa gia đình về quê cũ ở các xã phía Đông Vĩnh Linh, vùng đồng bằng, nơi có nhiều việc làm, điều kiện sống tốt hơn.
Họ chỉ đến ở Rào Trường khi cần chăm sóc hoặc thu hoạch cây rừng. Sự thay đổi này khiến số lượng học sinh ngày càng ít dần. Trung bình mỗi năm chỉ còn khoảng 6 – 12 trẻ vào tiểu học nên không đáp ứng tiêu chuẩn số học sinh trên mỗi lớp. Nếu tổ chức dạy lớp ghép thì chất lượng giáo dục lại giảm đi.
Tiếp đó, xã Vĩnh Hà dù được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng so với mặt bằng chung toàn huyện vẫn là vùng khó khăn. So với các trường vùng đồng bằng, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học xã Vĩnh Hà có chất lượng thấp hơn, khiến phụ huynh không tin tưởng.
Theo ông Hải, việc một số phụ huynh yêu cầu phải thay toàn bộ giáo viên lại mới cho con cái nhập học là khó thực hiện, vì làm như vậy giáo viên cũ biết đi về đâu.
“Chúng tôi vừa tổ chức cuộc họp để tìm phương án giải quyết tình trạng điểm trường tiểu học thôn Rào Trường bị bỏ hoang, cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương.
Nếu người dân không có nhu cầu cho con học tập tại điểm trường thôn Rào Trường, và số lượng học sinh quá ít, không đủ để mở lớp, xã sẽ chuyển mục đích sử dụng điểm trường thành hội trường, nhà văn hoá thôn để tránh tình trạng bỏ hoang lãng phí”, ông Hải thông tin.