Quảng Trị: Dân khổ, chính quyền vất vả vì đường chục tỷ thi công… “rùa bò”

GD&TĐ - Tuyến Đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ còn khoảng 1km là hoàn thiện, nhưng suốt nhiều năm ròng vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Dự án kéo dài gần 1 thập kỷ khiến hệ lụy khôn lường về đời sống nhân dân, môi trường và an toàn giao thông.
Dự án kéo dài gần 1 thập kỷ khiến hệ lụy khôn lường về đời sống nhân dân, môi trường và an toàn giao thông.

Theo lời ông Chủ tịch xã thì việc này khiến dân khổ, chính quyền vất vả.

Gần 1 thập kỷ chịu cảnh “mưa lầy, nắng bụi”

Hơn 9 năm trước, vào tháng 11/2012, dự án xây dựng cầu An Mô mới vượt sông Thạch Hãn, kết hợp đường cứu hộ cứu nạn phía Đông huyện Triệu Phong có tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt. Đến cuối năm 2014, khi phần xây cầu cùng đất đổ hai đầu cầu cơ bản hoàn thiện thì dự án bị cắt giảm vốn đầu tư công nên công trình vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Để tìm “đường sống” cho cầu An Mô, tháng 9/2017, tỉnh Quảng Trị quyết định đưa phần hạng mục đường dẫn nối lên hai đầu cầu chưa thi công, cùng phần khối lượng mặt cầu chưa rải thảm nhựa vào dự án đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, với tổng dự toán đầu tư xây dựng công trình 66,6 tỷ đồng (từ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng).

Công trình nhằm kết nối các xã vùng phía Đông gần với trung tâm huyện lị, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, thăm viếng Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

Thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2018, với chiều dài gần 6km, gồm 1 tuyến chính (không bao gồm cầu An Mô mới) và 2 tuyến nhánh, được giao cho Ban quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng Giao thông (thuộc Sở GTVT Quảng Trị) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay sau hơn 4 năm triển khai, tuyến đường này vẫn còn dở dang, ổ voi, ổ gà. Nguyên nhân của tình trạng này là do “đói” vốn và vướng mặt bằng đoạn qua thôn An Định (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong).

Một số người dân ở khu vực giải tỏa chưa đồng thuận với mức giá đền bù, cũng như phương án bồi thường. Có ý kiến cho rằng, mức bồi thường đất thổ cư và đất nông nghiệp đưa ra quá thấp. Bên cạnh đó, nhiều hộ mong muốn di dời đến nơi khác sinh sống nhưng dự án lại không bố trí đất tái định cư, nên người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Việc thi công “ì ạch”, khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân ở dọc tuyến đường này phải gánh chịu ô nhiễm môi trường kéo dài, cảnh quan nhếch nhác và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông là rất cao. Bên cạnh đó, người dân cũng không thể xây dựng các hạng mục như tường rào, quán sá… vì ảnh hưởng đến dự án.

Bà Đỗ Thị Sút (SN 1945, trú thôn An Định, xã Triệu Long) cho biết: “Nhà tôi nằm ngay sát cầu An Mô, cứ nắng lên lại hứng bụi mù mịt, mưa xuống chịu cảnh lầy lội, rất khổ cực. Con đường này lượng xe cộ lưu thông khá đông nên mất an toàn.

Cũng hơn 9 năm rồi, chúng tôi kêu trời mãi không thấu nên đành phải đóng kín cửa mà “trốn” bụi bặm. Mong các cấp có thẩm quyền vào cuộc quyết liệt để dự án được hoàn thành trong thời gian nhanh nhất, trả lại cuộc sống yên bình cho mọi người nơi đây”.

Theo ông Võ Sính - Chủ tịch UBND xã Triệu Long, không chỉ bà con khổ sở, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng rất vất vả. Năm nào địa phương cũng phải tổ chức vài cuộc họp đối thoại để xem xét các khúc mắc của bà con.

Cũng như tích cực đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động người dân đồng ý phương án đền bù để hoàn thành dự án. Hiện, còn khoảng 15 hộ dân bị ảnh hưởng vẫn chưa đồng tình với mức bồi thường đưa ra.

Tình trạng vướng mặt bằng khiến một đoạn đường trên tuyến đường này nham nhở ổ voi, ổ gà.
Tình trạng vướng mặt bằng khiến một đoạn đường trên tuyến đường này nham nhở ổ voi, ổ gà.

Bao giờ hết tiến độ “rùa bò”?

Trả lời với GD&TĐ, ông Võ Phong Luân - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án này vốn thiếu. Trong quá trình thực hiện, khối lượng giải phóng mặt bằng lại phát sinh lớn và thời giá bồi thường tăng lên so với dự kiến ban đầu. Qua cân đối tổng mức đầu tư dự án tăng 10,5 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Hiện, tuyến đường đã thảm bê tông nhựa được 3km, hoàn thành cấp phối đá dăm 2km và đang chờ thời tiết nắng ráo sẽ rải thảm bê tông nhựa. Riêng 1km còn lại đi qua địa phận xã Triệu Long đang vướng giải phóng mặt bằng nên chưa thể triển khai.

“Đơn vị vừa phải xin UBND tỉnh chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư và bổ sung thêm vốn, vừa tích cực phối hợp với địa phương vận động bà con đồng tình, ủng hộ để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đồng thời áp dụng biện pháp giải tỏa đến đâu sẽ tổ chức thi công đến đó, cố gắng hoàn thành dự án vào năm 2022”, ông Luân nói.

Người dân xã Triệu Long nói riêng và các xã phía Đông huyện Triệu Phong nói chung đang rất mong chờ con đường này sẽ hoàn thiện, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Vì vậy, các cấp ngành liên quan cần “mạnh tay” tháo gỡ khó khăn, không để dự án chậm tiến độ thêm nữa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất mỹ quan và cũng như sự phát triển của khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.
Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.