Quảng Trị: Cần 400 triệu đồng để phục vụ điều tra vụ “xẻ thịt” rừng đặc dụng

GD&TĐ - Sau hơn 1 tháng vụ phá rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa được phát hiện, tỉnh Quảng Trị vẫn đang “tìm kinh phí” để phục vụ công tác điều tra, khởi tố vụ án.

Cây rừng bị đốn hạ trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.
Cây rừng bị đốn hạ trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Số lượng cây rừng bị đốn hạ nhiều hơn báo cáo ban đầu

Báo GD&TĐ số 293, ra ngày 8/12 có bài “Quảng Trị: Xẻ thịt rừng đặc dụng trong khu bảo tồn thiên nhiên”. Bài viết phản ánh rừng tại Tiểu khu 645 thuộc địa phận các thôn Cát, Trĩa của xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) thuộc trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa bị lâm tặc đốn hạ hàng loạt. Chúng sơ chế thành gỗ hộp rồi vận chuyển ra ngoài.

Lý giải việc rừng bị tàn sát, ông Hà Văn Hoan - Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (đơn vị chủ rừng) cho rằng do bão, lũ nên lực lượng bảo vệ rừng phải rời khỏi khu vực rừng để đảm bảo an toàn. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng đã vào rừng khai thác gỗ trái phép, rồi đợi lúc nước suối dâng cao thì thả xuôi theo dòng nước để đưa ra khỏi rừng. Bên cạnh đó, do diện tích rừng lớn trong khi lực lượng của đơn vị mỏng nên không thể kiểm soát hết được toàn bộ khu vực rừng này.

Trước đó, vào ngày 25/11, thông tin với báo chí về vụ phá rừng, ông Hà Văn Hoan cho biết, từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11/2021, đơn vị cùng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã tổ chức 4 đợt kiểm tra. Qua đó phát hiện có tình trạng phá rừng với 36 cây rừng với đường kính từ 25 – 90cm bị đốn hạ tại vị trí lô 1, 2, khoảnh 4 và lô 1, khoảnh 2 ở Tiểu khu 645.

Ngoài 2 cây rừng còn nguyên cành bị đốn hạ, cơ quan chức năng cũng tìm thấy 13 lóng gỗ đường kính từ 20 – 50cm, chiều dài từ 2,5 – 6m và 8 hộp gỗ còn sót lại.

Tuy nhiên, qua mở rộng kiểm tra rừng vùng lõi ở Tiểu khu 645 và 635 (đều trên địa bàn xã Hướng Sơn), các lực lượng chức năng đã ghi nhận có tất cả 89 cây gỗ bị chặt phá, với khối lượng khoảng 76,6m3 gỗ. Trong đó có cây gỗ còn nguyên cành nhánh với chiều dài hơn 30m, đường kính thân khoảng 90cm với tuổi thọ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ.

Cụ thể, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, 36 cây rừng bị chặt phá lấy gỗ đã được Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa kiểm đếm qua 4 đợt kiểm tra ban đầu. Trong đợt 5 do Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hoá kiểm tra, kiểm đếm được 7 cây.

Đợt 6 do Đội Kiểm lâm cơ động thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị kiểm tra, kiểm đếm được 5 cây. Đợt 7 do Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá phối hợp các đơn vị, lực lượng trên địa bàn kiểm tra, kiểm đếm được 25 cây.

Đợt 8 do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị thành lập đoàn kiểm tra gồm các cán bộ, nhân viên kiểm lâm và khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, cùng các lực lượng công an, quân sự xã Hướng Sơn tham gia phối hợp, tổ chức kiểm tra, kiểm đếm thêm được 16 cây rừng bị đốn hạ.

Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, trước vụ việc khai thác gỗ rừng trái phép, có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng xảy ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Ứng trực thường xuyên, kiểm tra chặt chẽ tại tổ chốt vừa được thành lập tại địa bàn các thôn Cát, Trĩa (xã Hướng Sơn) để ngăn chặn nạn phá rừng, vận chuyển gỗ khai thác trái phép ra bên ngoài.

Đoàn công tác liên ngành do bà Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị dẫn đầu đã đến hiện trường kiểm tra vụ phá rừng vào ngày 25/11/2021.
Đoàn công tác liên ngành do bà Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị dẫn đầu đã đến hiện trường kiểm tra vụ phá rừng vào ngày 25/11/2021.

Đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để giám định mẫu gỗ

Liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, trả lời với báo chí vào ngày 25/12, ông Bùi Văn Duẩn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết hiện vẫn đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị điều tra, giải quyết tin báo tội phạm.

Cũng theo ông Duẩn, để có thể thực hiện điều tra và khởi tố vụ án phải cần khoản kinh phí gần 400 triệu đồng. Trong đó, chi phí giám định mẫu gỗ hết hơn 284 triệu đồng, chi phí khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định gần 103 triệu đồng. Và việc xoay xở khoản kinh phí này đang là mấu chốt khó khăn, vì đơn vị không có ngân sách.

“Hiện chúng tôi đang xin kinh phí, khi có kinh phí sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường trước, rồi tiến hành giám định mẫu gỗ” – ông Duẩn nói.

Được biết, khi được duyệt kinh phí, Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa dự kiến lấy 50 mẫu gỗ để giám định tên gỗ, chủng loại gỗ, nhóm gỗ và mức độ quý hiếm, riêng khâu này dự kiến chi phí hết 250 triệu đồng.

Ngoài ra, còn dự kiến lấy 174 mẫu để giám định tính đồng nhất về chủng loại gỗ trị giá gần 35 triệu đồng. Về mức giá này, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã tham khảo từ Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam.

Còn theo lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa cho hay, sau khi cân đối ngân sách, UBND huyện hỗ trợ hoạt động khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định gần 103 triệu đồng. Riêng kinh phí giám định mẫu gỗ hơn 284 triệu đồng, UBND huyện Hướng Hóa đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị và Sở Tài chính tỉnh xem xét hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ