Khoảng gần 11h ngày 8/5, thầy giáo Nguyễn Xuân Tuấn, giáo viên Trường THPT Mường Lát (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) vô tình chứng kiến hình ảnh mặt trời có một vòng tròn ánh sáng xung quanh không giống với bình thường.
Hình ảnh “mặt trời lạ” được quan sát rõ nhất tại thị trấn Mường Lát. Cho rằng đây là hiện tượng thiên nhiên hiếm thấy, thầy Tuấn đã dùng điện thoại chụp lại nhằm lưu giữ hình ảnh mặt trời vào thời khắc này để chia sẻ với bạn bè.
Theo thầy Tuấn, hiện tượng “mặt trời lạ” tại thị trấn Mường Lát kéo dài khoảng 10 phút sau đó trở lại như bình thường. Thời tiết sau đó cũng không mưa và không có gì khác lạ.
Giải thích về hiện tượng này, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuần Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho rằng, đây là hiện tượng quầng 22 độ.
Hiện tượng quang học này xảy ra trong khí quyển trái đất ở khu vực lân cận đĩa sáng mặt trời hoặc mặt trăng khi thời tiết khô, ít hơi nước, trên tầng cao của khí quyển chỉ có mật độ thấp các hạt băng (nước đá).
Ánh sáng từ mặt trời hoặc mặt trăng (do mặt trời chiếu sáng) khi đi vào khí quyển xuyên qua các tinh thể có dạng lục giác này bị khúc xạ.
Từ đó, gây nên hiện tượng giống như khi đi qua một thấu kính phân kì, tạo thành một vòng sáng trắng có bán kính khoảng 22 độ (độ rộng đường kính 44 độ) quanh đĩa sáng.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuần Sơn, hiện tượng này thường được quan sát phổ biến ở mặt trăng và ít gặp hơn ở mặt trời.Tuy vậy, đây cũng không phải hiện tượng quá hiếm và không quá khó hiểu.
Đối với quầng của mặt trăng, chính vì nó xảy ra vào thời điểm không khí ít hơi nước, khó mưa nên người ta thường nói: “Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”.