Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS

GD&TĐ - Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện hiệu quả.

Đồng bào DTTS xã Quảng An (huyện Đầm Hà) khai thác tiện ích của điện thoại thông minh phục vụ cuộc sống.
Đồng bào DTTS xã Quảng An (huyện Đầm Hà) khai thác tiện ích của điện thoại thông minh phục vụ cuộc sống.

Thành lập tổ công nghệ số cộng đồng

Thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ giúp đồng bào DTTS ứng dụng hiệu quả CNTT để nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên hiện có 45,6% dân số là người DTTS. Để làm tốt công tác chuyển đổi số toàn diện, xã thành lập 10 tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn với 83 thành viên. Các tổ công nghệ số đến tận nhà dân, nhất là bà con DTTS, tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu được tiện ích, ý nghĩa chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, để chủ động khai thác, sử dụng các dịch vụ số.

Đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh hiểu biết CNTT sinh sống ở các thôn, bản có đồng bào DTTS trực tiếp hướng dẫn những kỹ năng, cách thức công nghệ để người dân khai thác sử dụng tiện ích mà chuyển đổi số mang lại.

Tuyên truyền chính sách pháp luật thông qua ứng dụng CNTT

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Quảng Ninh có 162.531 người DTTS, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh. Để đồng bào DTTS tiếp cận với CNTT và ứng dụng CNTT hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND (ngày 15/6/2020) thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2023, thông qua ứng dụng CNTT: 95% đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; 80% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về KHCN và thị trường; 90% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng chống các bệnh đặc thù; 90% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về pháp luật và các chính sách về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; 90% đồng bào DTTS nắm bắt thông tin về ANTT để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống vùng DTTS tỉnh.

Công an xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên hướng dẫn bà con dân tộc cài đặt VNeID trên điện thoại di động thông minh.
Công an xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên hướng dẫn bà con dân tộc cài đặt VNeID trên điện thoại di động thông minh.

Đến năm 2025, thông qua ứng dụng CNTT: 100% người có uy tín, đồng bào DTTS nắm được quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; 100% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng chống dịch bệnh đặc thù; 100% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về pháp luật và các chính sách về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai; 100% đồng bào DTTS nắm bắt thông tin về ANTT để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống ở vùng DTTS và miền núi; 95% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về KHCN và thị trường.

Để đạt mục tiêu trên, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc với tên miền http://bandantoc.quangninh.gov.vn. Hệ thống phục vụ công tác quản lý, theo dõi, thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn của tỉnh, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời hình thành cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc của tỉnh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chia sẻ, khai thác thông tin cơ sở dữ liệu.

Cùng với đó, để hỗ trợ người DTTS về CNTT đáp ứng chuyển đổi số, hiện các tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương đến tận nhà văn hóa thôn, các hộ gia đình để hướng dẫn bà con các nội dung về chuyển đổi số.

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới tỉnh xây dựng dự án ứng dụng CNTT trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối chính sách, pháp luật về dân tộc, bình đẳng giới, giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bào DTTS.

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập các kiến thức về CNTT, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo các xã, trưởng thôn, bản, người có uy tín, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các xã vùng DTTS của tỉnh.

Tập huấn, hỗ trợ đồng bào DTTS tìm kiếm, sử dụng các ứng dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan nhà nước cung cấp. Thành lập 10 nhóm (100 thành viên) là người có uy tín trong đồng bào DTTS sử dụng mạng xã hội để kết nối, chia sẻ thông tin và triển khai thực hiện các chính sách dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ