Quảng Ngãi: Nỗi niềm thừa - thiếu giáo viên

GD&TĐ - Trong 4 năm qua, Quảng Ngãi không tuyển mới giáo viên. Trong khi đó, giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, sinh viên sư phạm ra trường ngày càng nhiều. 

Quảng Ngãi: Nỗi niềm thừa - thiếu giáo viên

Dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cả ngàn giáo viên rải đều ở các bậc học trong tỉnh. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2017 – 2018, Quảng Ngãi thiếu hơn 1.000 giáo viên (trong biên chế) ở các bậc học. Để đảm bảo chương trình giảng dạy, nhiều trường đã ký hợp đồng với giáo viên mới ra trường kéo dài qua nhiều năm, gây tâm lý không ổn định cho đơn vị sử dụng và cả người được hợp đồng.

Mong chờ sự… ổn định

Thông tin Quảng Ngãi chuẩn bị tổ chức thi tuyển giáo viên, cô giáo N.T.N Trường THCS Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) khấp khởi vui mừng. Bởi, cô đã dạy hợp đồng ở trường trên 5 năm. Trong quá trình dạy học, cô đã nỗ lực thật nhiều, với niềm hy vọng sẽ được tuyển vào biên chế chính thức để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, cứ hết năm học này đến năm học khác, cô chỉ dạy theo hợp đồng nên mãi bấp bênh. Cô N bộc bạch: Ra trường có việc làm là may mắn, nhưng dạy hợp đồng mãi, tâm lý cũng bất an. Lương lại quá thấp mà trong mấy tháng hè thì không được hưởng lương, cuộc sống càng khó khăn hơn. Mình rất mong sớm được vào biên chế để ổn định lâu dài. Năm nay, nghe thi tuyển dụng, bắt buộc mỗi thí sinh phải trải qua hai phần thi là Tin học và Ngoại ngữ. Việc thi này vô cùng bất lợi với giáo viên hợp đồng lâu năm, bởi tính đến nay, mình đã ra trường được 7 năm, kiến thức tiếng Anh không còn để mà thi. Trong những ngày này, mình phải tìm sách, tài liệu để lo học với hy vọng sẽ được tuyển lâu dài.

Hi vọng được tuyển dụng lâu dài cũng là tâm trạng chung của hàng ngàn giáo viên, nhân viên hợp đồng ở các trường trong nhiều năm qua. Nhiều giáo viên khi đặt bút ký hợp đồng dạy học, họ đã đặt cả niềm tin và hy vọng sẽ được ổn định trong tương lai với nghề mà mình đã chọn. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân, đến nay nhiều giáo viên hợp đồng đến 5 – 7 năm vẫn chưa ổn định. Nỗi niềm này trở thành day dứt trong lòng cả thủ trưởng đơn vị lẫn giáo viên hợp đồng.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa Trương Quang Dũng trăn trở: Đa số những giáo viên được hợp đồng họ rất tâm huyết với nghề. Họ luôn nỗ lực để khẳng định trong mọi hoàn cảnh. Có trường hợp mới sinh nở, thay vì nghỉ 6 tháng thì đến tháng thứ 3 các em đã xin dạy học trở lại. Phòng rất trăn trở về những trường hợp này, nhưng hơn 4 năm qua, vì thực hiện chủ trương chung của tỉnh là không tuyển biên chế, nên phòng phải đành hợp đồng kéo dài qua nhiều năm.

Mệt mỏi vì thiếu chỉ tiêu

Đến năm học 2017 – 2018 này, ở ba cấp học mà Phòng GD&ĐT Tư Nghĩa quản lý thiếu 166 giáo viên; trong đó Phòng đã hợp đồng trong nhu cầu cần biên chế đến 113 giáo viên và hợp đồng thời vụ 53 giáo viên. Mỗi giáo viên hợp đồng là mỗi hoàn cảnh, mỗi nỗi niềm riêng. Sắp tới thi tuyển dụng giáo viên chắc chắn sẽ xảy ra nhiều điều day dứt, gây mệt mỏi cho cả người quản lý và người hợp đồng lâu năm. Vì vậy, trong thi tuyển giáo viên, Phòng cũng mong có sự công tâm và ưu tiên cho những giáo viên đã hợp đồng lâu năm.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, đến năm học 2017 - 2018, toàn huyện cũng thiếu khoảng 36 giáo viên. Đặc thù của huyện là vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu xa, không thể dạy thế, dạy ghép nên Phòng đã hợp đồng ngắn hạn với giáo viên. Tình trạng thiếu, thừa giáo viên cũng diễn ra khá nhiều ở huyện Nghĩa Hành. Trong năm học 2017 – 2018, Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành đã ký hợp đồng với khoảng 120 giáo viên mới đảm bảo công tác giảng dạy. Nguồn lực ký hợp đồng không thiếu nhưng để ổn định lâu dài còn phải chờ…

Đây là tình trạng chung trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, nhất là các huyện miền núi. Nguyên nhân chính là do ngành Giáo dục thực hiện chính sách chung của tỉnh về việc không tuyển dụng giáo viên từ năm 2014 đến nay. Trong khi đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu theo chế độ và xin thuyên chuyển công tác khá nhiều. Mạng lưới trường lớp ngày càng mở rộng, học sinh đến trường ngày càng đông. Dẫn đến thiếu hụt cả ngàn giáo viên, làm nhiều trường phải xin chủ trương hợp đồng giáo viên để đảm bảo công tác giảng dạy trong nhiều năm qua. Mỗi giáo viên hợp đồng gắn bó với trường, không chỉ góp phần đảm bảo công tác giảng dạy mà ít nhiều còn có mối liên kết tình cảm. Sắp tới thi tuyển giáo viên, mọi việc sẽ xáo trộn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác dạy học mà còn ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của những giáo viên đã gắn bó với trường.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, trong kỳ thi tuyển giáo viên sắp tới, toàn tỉnh sẽ tuyển dụng hơn 1.660 giáo viên; trong đó, bậc học mầm non tuyển 527 giáo viên, tiểu học 629 giáo viên, THCS 324 giáo viên, THPT 168 giáo viên, trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện và thành phố tuyển 15 giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ