Quảng Ngãi điều chỉnh dự án vì vướng nhà của ngành đường sắt

GD&TĐ - Do không tìm ra cách giải tỏa 'nhà xuống ban' thuộc ngành đường sắt, tỉnh Quảng Ngãi phải điều chỉnh tỉnh lộ 624 để kịp tiến độ.

Khối 'Nhà xuống ban' có diện tích khoảng 200m2 đã xuống cấp rõ rệt.
Khối 'Nhà xuống ban' có diện tích khoảng 200m2 đã xuống cấp rõ rệt.

Điều chỉnh sau 2 năm chờ giải phóng mặt bằng cho 1% khối lượng

Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi khởi công nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 624 dài gần 4,5km, tổng vốn đầu tư là 141 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Điểm đầu dự án thuộc xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa), điểm cuối tại thị trấn Chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành).

Theo thiết kế, công trình được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn công trình giao thông cấp II, có bề rộng mặt đường 12m, tốc độ thiết kế 80 km/h. Tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối TP Quảng Ngãi với các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ và khu vực Tây Nguyên. Đây cũng là cửa ngõ dẫn lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Để cải thiện hiện trạng đường xuống cấp gây mất an toàn giao thông, thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi tập trung xây dựng. Đến cuối năm 2021, 99% khối lượng công việc đã hoàn thành.

Tuy nhiên, khi những hộ dân cuối cùng bàn giao mặt bằng để thực hiện phần việc còn lại thì dự án vẫn phải tiếp tục giậm chân tại chỗ vì vướng “nhà xuống ban” của ngành đường sắt (ngay nút giao thuộc xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa).

Theo chủ đầu tư dự án, năm 2018 khi thiết kế tuyến đường đã làm việc với ngành đường sắt nhưng mãi không tìm ra cách giải tỏa công trình này. Do “nhà xuống ban” là tài sản công cấp 1 do Bộ Tài chính quản lý, thủ tục giải tỏa phức tạp. Chủ đầu tư dù đã làm việc trực tiếp và gửi hàng chục văn bản đến các cơ quan liên quan nhưng nhiều năm vẫn không… có lối ra trong giải tỏa công trình.

Liên quan đến “nút thắt” này, lãnh đạo Bộ GTVT nhiều lần quan tâm chỉ đạo ngành đường sắt hỗ trợ để tỉnh Quảng Ngãi giải tỏa, nhưng không mang lại kết quả.

Sau nhiều năm “gõ cửa” nhiều cơ quan, đơn vị liên quan mà vẫn không giải tỏa được “nhà xuống ban” đường sắt, chủ đầu tư dự án buộc phải xin điều chỉnh dự án.

Tháng 8/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định điều chỉnh dự án, giữ nguyên bề rộng mặt đường tỉnh lộ 624 tại nút giao với đường sắt.

Đoạn giao nhau với đường sắt trở thành “nút thắt cổ chai” tỉnh lộ 624.

Đoạn giao nhau với đường sắt trở thành “nút thắt cổ chai” tỉnh lộ 624.

Phức tạp thủ tục giải tỏa

Đầu năm 2023, sau đốc thúc của Bộ trưởng Bộ GTVT, nhiều đơn vị liên quan có văn bản trả lời tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, vẫn không tìm được phương án giải tỏa “nhà xuống ban”.

Theo đó, tài sản công cấp 1 phải xin ý kiến Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Nhưng thêm “rắc rối” là sổ đỏ lại đứng tên Công ty Cổ phần đường sắt Nghĩa Bình (đơn vị đã cổ phần hóa, nhà thầu thi công bảo dưỡng đường sắt). Lúc này vấn đề đặt ra là: Đền bù cho ai? Tái định cư sổ đỏ mới đứng tên ai?

Được biết, sau đó Cục Đường sắt tiếp tục vào làm việc và có đưa một bộ hồ sơ để tỉnh Quảng Ngãi học tập kinh nghiệm từ việc giải tỏa một tài sản công tương tự ở một ga đường sắt phía Bắc. Theo đó thì cần lấy ý kiến nhiều bên cùng loạt thủ tục khác. Điều này đồng nghĩa với việc mất nhiều thời gian, dự án tiếp tục kéo dài.

Bên trong một căn phòng của 'nhà xuống ban'.

Bên trong một căn phòng của 'nhà xuống ban'.

Vì đó, ngày 17/8/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định điều chỉnh dự án để đưa công trình về đích. Cụ thể, giảm quy mô xây dựng (không mở rộng) hạng mục đường ngang giao với đường sắt.

Tại nút giao những ngày này, đơn vị thi công đang thảm bê tông mặt đường. Con đường rộng 12m đến đoạn này thì bị thu nhỏ, thành “nút thắt cổ chai” trên tỉnh lộ 624. Mỗi lần chờ tàu rất đông xe cộ chen nhau, phương tiện tham gia giao thông phải nhích từng chút.

Khối “nhà xuống ban” được xây từ mấy chục năm trước để công nhân đường sắt nghỉ ngơi khi hết ca. Tuy nhiên, khối nhà này đã có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt và các công nhân đường sắt cũng không còn nghỉ lại đây. Hiện, chỉ có một gia đình đang sống tại một phòng và tận dụng phòng còn lại chứa than củi, xe cộ. Người vợ từng là nhân viên gác chắn tàu từ năm 1987 và được bố trí ở từ đó đến nay. Gia đình này có 3 người con đã trưởng thành và đang sống ở nơi khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.