Nếu kết quả thi tốt nghiệp với tỉ lệ đỗ cao thì vui nhất là thầy cô giáo – những người trực tiếp giảng dạy, cha mẹ và HS. Kết quả của kì thi là tiền đề giúp các em tiếp tục con đường học vấn hoặc trực tiếp tham gia lao động sản xuất.
Kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trước hết là thành quả của hệ thống giáo dục phổ thông, cha mẹ và các em. Các thầy cô giáo THPT chỉ là mắt xích cuối cùng thực hiện quá trình đó. Tuy nhiên, giai đoạn quan trọng nhất là năm lớp 12.
Đây là thời điểm, thầy cô cùng một lúc vừa phải phục vụ cho nhu cầu thi vào ĐH, CĐ cho một bộ phận HS vừa phải chuẩn bị tâm thế và kiến thức vừa đủ cho một bộ phận HS có học lực yếu đủ sức thi tốt nghiệp THPT. Để có kết quả thi như mong đợi, tùy thực tế từng trường, GV có cách thức và trình tự thực hiện khác nhau trong từng khâu, từng thời gian.
Tuy nhiên, tựu trung lại, thầy cô các trường đều chuẩn bị tâm thế cho HS tự tin với kiến thức mà mình có để bước vào phòng thi. Kỳ thi THPT, vì vậy với mỗi GV, HS và phụ huynh, như một dấu mốc, đánh dấu kết quả của cả một quá trình nỗ lực dạy – học.
Thành thông lệ, sau mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ, các quỹ khuyến học, từ cơ quan, trường học, dòng họ cho đến chính quyền địa phương đều tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho những thí sinh có kết quả thi cao. Ngoài hỗ trợ về tài chính, việc khen thưởng này như một sự ghi nhận về những nỗ lực của cả người dạy và người học trên hành trình vượt vũ môn.
Nói như thầy Phạm Thạch Sinh – Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi), mức thưởng 10 – 15 triệu đồng cho mỗi tân SV là động lực phấn đấu của nhiều học trò nghèo học giỏi, làm sao để đạt được mốc 25 - 27 điểm tùy theo tổ hợp môn xét tuyển đại học. Thế nên, khi có thông tin tỉnh Quảng Ngãi sẽ không khen thưởng cho những HS đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, không chỉ phụ huynh, học sinh mà cả GV đều tiếc và hụt hẫng.
Nếu căn cứ vào câu chữ, Kỳ thi THPT năm 2020 chỉ còn là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những thay đổi này là để phù hợp với Luật Giáo dục 2019 cũng như tình hình thực tế. Tuy nhiên, trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH, phương thức sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT được dành một lượng lớn chỉ tiêu, chiếm ưu thế hơn so với các phương thức xét tuyển khác. Và để đạt kết quả thi 3 môn từ 25 - 27 điểm tùy theo tổ hợp môn, HS phải giỏi thực sự, có khả năng vận dụng, tổng hợp kiến thức ở mức cao.
UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định thu hồi số tiền 3,5 tỉ đồng dùng để khen thưởng số HS đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Sở GD&ĐT Quảng Ngãi chưa tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng. Việc thu hồi vì vậy không có quá nhiều thủ tục rườm rà. Thế nhưng, những hụt hẫng từ HS, phụ huynh và cả GV là điều khó tránh khỏi.
Không có khoản tiền khen thưởng này, những HS khóa sau của Quảng Ngãi sẽ vẫn phải nỗ lực hết mình trong học tập để chắc chắn một suất vào ĐH ở những trường tốp đầu. Nhưng niềm vui của cả GV và những tân sinh viên sẽ không trọn vẹn.
Và biết đâu, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng từ những thay đổi trong chính sách khen thưởng, động viên này. Nhìn rộng ra cả nước, đến giờ chỉ duy nhất Quảng Ngãi thu hồi khoản tiền thưởng kể trên. Động thái ấy dường như đang đi ngược lại tâm nguyện chung của cả xã hội trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự nghiệp trồng người.