Quảng Nam: Trường Quốc tế Hội An bị tố bạo hành học đường

GD&TĐ - Phụ huynh N.T.T.Q., có đơn gửi các cơ quan chức năng phản ánh giáo viên Âm nhạc, Trường Quốc tế Hội An (HAIS) có biểu hiện bạo hành đối với con của bà.

Một góc Trường Quốc tế Hội An (HAIS). Ảnh: Website nhà trường.
Một góc Trường Quốc tế Hội An (HAIS). Ảnh: Website nhà trường.

Sự việc xảy ra sau khi học sinh hỏi thầy: “Tại sao con 7 tuổi rồi mà vẫn phải học các bài hát của mẫu giáo?”. 

Hỏi như thế là không ngoan

Bà N.T.T.Q. là phụ huynh của em J.W.B., học sinh lớp 2, khối quốc tế, Trường Quốc tế Hội An (HAIS). Trong đơn trình bày gửi đến các cơ quan chức năng, bà N.T.T.Q. cho biết: Mấy tháng gần đây, con tôi phàn nàn nhiều về lớp học nhạc của thầy Luc Garner. “Cháu nói các buổi học rất nhàm chán vì cháu phải học những bài hát không phù hợp với lứa tuổi.

Chúng tôi có tham gia tất cả các buổi học trực tuyến với cháu và thấy phàn nàn của cháu hợp lý. Cháu hơn 7 tuổi mà từ đầu năm học tới giờ chỉ học các bài hát phù hợp với độ tuổi mẫu giáo. Chúng tôi có gửi email trực tiếp cho giáo viên, nhưng thầy không trả lời, mà chuyển email qua cho cấp trên, cô Frances Dobson đồng thời là giáo viên dạy nghệ thuật của cháu”.

Theo phản ánh của bà Q. thì thầy Luc Garner đã không trả lời những câu hỏi của em J.W.B. mà nhiều lần nói “Hỏi như thế là không ngoan”. “Cháu bị chuyển ngồi từ hàng ghế sau lên hàng đầu để thầy dễ tiếp cận hơn. Cháu buộc phải vỗ tay rất nhiều và mạnh đến mức làm cháu bị đau. Cháu bị yêu cầu vỗ mạnh hơn, nếu thầy cảm thấy như thế là còn chưa đủ”, trích đơn của bà Q.

Trong đơn gửi đến Sở GD&ĐT Quảng Nam, bà N.T.T.Q. cho biết, em J.W.B. có biểu hiện căng thẳng, lo âu, nhất định không chịu tiếp tục tham gia lớp học của thầy Luc Garner. Phụ huynh đã liên hệ với nhà trường, gồm thầy hiệu trưởng, thầy hiệu phó khối tiểu học quốc tế và thầy hiệu phó khối quốc tế để trình bày toàn bộ sự việc.

“Câu trả lời chúng tôi nhận được là nhà trường đã nói chuyện với giáo viên liên quan. Giáo viên nói cháu vẫn vui vẻ bình thường, nói chúng tôi cần khuyến khích cháu nhiều hơn. Trên thực tế, chúng tôi đã nói chuyện với cháu và động viên cháu rất nhiều lần trong những tháng qua.

Vì câu trả lời không thỏa đáng, chúng tôi đã 4 lần (2 lần qua điện thoại và 2 lần qua email) yêu cầu được gặp trực tiếp giáo viên, nhưng đều bị từ chối.

Chúng tôi họp lại với các hiệu trưởng, hiệu phó yêu cầu thay đổi chương trình học cho phù hợp với độ tuổi, chúng tôi đề nghị cho cháu lên thư viện để đọc sách (thư viện luôn có nhân viên ở đó) thay vì học nhạc. Chúng tôi đề nghị kiểm tra camera giám sát giờ học. Tất cả các yêu cầu này đều bị từ chối”, bà Q. nói.

Theo như bà Q. thì con bà buộc phải giả vờ vui vẻ để làm thầy vui lòng, để thầy không làm phiền đến cháu và để cháu không phải vỗ tay nhiều. Vì việc này, con trai bà Q. bị phê bình và bị phạt vì thiếu trung thực. Bà Q. cho biết, con bà có nguyện vọng muốn tự kể lại sự việc với hiệu trưởng và hiệu phó. Tuy nhiên, nguyện vọng này không được hiệu trưởng nhà trường đồng ý và cho rằng như thế là không chuyên nghiệp. 

Nhà trường không từ chối việc trích xuất camera

Bà N.T.T.Q phản ánh: “Trường được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, nhưng cho đến nay, trường vẫn không có hội phụ huynh hay ban đại diện phụ huynh để làm việc với nhà trường khi có vấn đề hay sự kiện. Các phụ huynh không có nơi để tham gia hay đóng góp ý kiến. Nhà trường chỉ cho phép từng phụ huynh đến gặp, chứ không được phép đến gặp theo nhóm. Thành lập hội phụ huynh là quyền lợi chính đáng của phụ huynh và học sinh. Chúng tôi không hiểu tại sao cho đến lúc này, quyền lợi này theo Thông tư số 55/2011/TT‐BGDĐT vẫn không được đáp ứng. Chúng tôi có biết các gia đình khác gửi con học ở các trường công và tư khác, các trường này đều có các hội phụ huynh”.

Trong khi đó, phía Trường TH, THCS và THPT Quốc tế HAIS cho biết, nhà trường không từ chối yêu cầu của bà N.T.T.Q. Theo đó, nhà trường đã có 5 cuộc họp giữa phụ huynh và đại diện nhà trường. Cuộc họp với thầy trưởng khối tiểu học quốc tế và thầy hiệu phó ngày 17/3/2022.

Cuộc họp với thầy hiệu trưởng và hiệu phó quốc tế ngày 20/4 và 29/4. Cuộc họp với thầy hiệu trưởng quốc tế, có sự tham gia của trợ lý hiệu trưởng ngày 10/5. Cuộc họp với thầy Hiệu trưởng Nguyễn Luận vào ngày 17/5.

“Ngoài ra, từ phía nhà trường (giáo viên, đội ngũ văn phòng, các trưởng khối và ban giám hiệu nhà trường) cũng có rất nhiều cuộc trao đổi qua một khối lượng email rất lớn với phụ huynh. Email là kênh giao tiếp chính thức của nhà trường với phụ huynh”, trích văn bản phúc đáp của Trường Quốc tế HAIS gửi Sở GD&ĐT Quảng Nam.

Đại diện Trường Quốc tế HAIS còn cho biết, sau cuộc họp với thầy Nguyễn Luận, nhà trường đang sắp xếp một cuộc họp theo yêu cầu của bà Q., với sự tham gia của phó hiệu trưởng. Đã trích xuất các video ra để tổ chức buổi làm việc với phía phụ huynh, dự kiến từ ngày 23 - 27/5.

“Tuy nhiên, vào sáng thứ 6, ngày 20/5, bà Q. đã gửi email cho cô Frances Dobson với lời lẽ thiếu tế nhị, xúc phạm một thầy giáo khác, đồng nghiệp và cũng là chồng của cô Frances nên cô Frances đã từ chối gặp mặt.

Trong thư đã đề cập rõ ràng về 2 yêu cầu của phụ huynh và nhà trường chỉ từ chối cuộc gặp với Trưởng nhóm các môn chuyên biệt, cô Frances với lý do như trên. Hoàn toàn không đề cập đến việc từ chối cho phụ huynh xem trích xuất dữ liệu camera”, nhà trường phản hồi.

Bà Q. cho rằng: “Không có phụ huynh nào đủ kiên nhẫn cho 5 cuộc họp, vô số email mà cuối cùng là nguyên nhân vì sao con tôi bị bắt nạt và bạo hành tinh thần vẫn không được trả lời. Tại sao việc yêu cầu kiểm tra camera và gặp trực tiếp giáo viên (trước khi giáo viên bỏ trốn) vẫn không được đáp ứng. Các cuộc họp và email trả lời chỉ mang tính đối phó”.

Trong đơn kiến nghị gửi Sở GD&ĐT Quảng Nam, bà N.T.T.Q. còn phản ánh việc dạy và học hai bộ môn Nhạc và Nghệ thuật không đúng theo chương trình của Cambridge. Ngoài ra, giáo viên đứng lớp không đúng chuyên môn. Theo đó, có những tiết học Toán do giáo viên dạy Nhạc đứng lớp, tiết học tiếng Anh do giáo viên Thể dục đứng lớp, tiết học Nghệ thuật do giáo viên Tin học đứng lớp khi giáo viên chuyên môn nghỉ có việc riêng.

“Chúng tôi có thể thông cảm khi trường phải sử dụng giáo viên không đúng chuyên môn thay thế trong trường hợp đột xuất. Nhưng không thể chấp nhận giáo viên chuyên môn không dạy theo chương trình và không có người kiểm tra giám sát. Ai là người kiểm tra giám sát việc giáo viên dạy đúng chuyên môn để bảo đảm quyền lợi cho học sinh”, bà Q. thắc mắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ