Quảng Nam: Kể chuyện sáng tạo giúp trẻ mầm non học tiếng Việt tốt hơn 

GD&TĐ - Nhằm giúp trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số học tiếng Việt tốt hơn, Quảng Nam thực hiện sáng kiến xây dựng môi trường học tập giàu ngôn ngữ thông hoạt động “kể chuyện sáng tạo”.

Trẻ học tập và vui chơi trong môi trường giàu ngôn ngữ, đa dạng tương tác
Trẻ học tập và vui chơi trong môi trường giàu ngôn ngữ, đa dạng tương tác

Đây là một can thiệp nhằm xóa bỏ rào cản có ảnh hưởng đến học tập của trẻ mầm non thuộc dự án BAMI do VVOB (Tổ chức phi chính phủ của Bỉ) thực hiện tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và KonTum từ năm 2017 đến nay.

Phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình giáo dục mầm non. Đặc biệt đối với các trẻ đồng bào dân tộc thiểu số, việc phát triển song ngữ cân bằng (giữa tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ) là một trong những vấn đề cần được quan tâm trước tiên.

Trong quá trình này, giáo viên có vai trò mang tính quyết định: từ việc tạo ra môi trường học tập phù hợp cho đến việc thiết kế, sáng tạo các hoạt động bên trong lớp học cho trẻ. Thấu hiểu được vai trò đặc biệt này, dự án “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống” (Dự án BAMI) trong nhiều năm qua đã thực hiện rất nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo, trang bị kỹ năng cho giáo viên của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và KonTum để giáo viên có thể triển khai nhiều ý tưởng và mô hình mới trong việc giúp trẻ học đồng bào học tiếng Việt tốt hơn.

Bắt đầu từ việc tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ

Cô Hạnh Thúy – hiệu trường trường mẫu giáo Cà Dy (huyện Nam Giang, Quảng Nam) chia sẻ: “Để trẻ phát triển ngôn ngữ tốt, trước tiên cần môi trường học tập phù hợp. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng môi trường học tập giàu ngôn ngữ đảm bảo 3 tiêu chí: một là, trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái; hai là, có các hoạt động có ý nghĩa – thực tế và cuối cùng là trẻ được học thông qua các tương tác với người xung quanh. Được học tập trong môi trường giàu ngôn ngữ sẽ là nền tảng vững chắc giúp trẻ tiếp nhận kiến thức và học tập, khám phá mọi thứ xung quanh một cách tự tin hơn.”

Trên cơ sở đó, các giáo viên tại trường mẫu giáo Cà Dy cũng thực hiện đa dạng các đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu… tại các góc tương tác trong và ngoài lớp học. Xây dựng góc đọc hấp dẫn, cho phép trẻ đóng góp sách yêu thích của mình vào góc đọc. Ngoài ra, tăng cường sự xuất hiện của chữ viết trong không gian lớp học để trẻ làm quen với ngôn ngữ một cách thụ động trong quá trình trên lớp.

Và triển khai ý tưởng “kể chuyện sáng tạo”

Ý tưởng “kể chuyện sáng tạo” là sáng kiến được các giáo viên thực hiện tại trường mẫu giáo Cà Dy sau khi tham dự các chương trình tập huấn cũng như hướng dẫn của Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Quảng Nam về “Phát triển ngôn ngữ” cho trẻ - thuộc khuôn khổ dự án BAMI. 

Cô L. – người trực tiếp triển khai ý tưởng chia sẻ: “Việc sử dụng các tương tác giàu ngôn ngữ trong môi trường lớp học là rất hữu ích trong việc phát triển ngôn ngữ cho các em. Tôi và các đồng nghiệp đã tổ chức các hoạt động làm sách sáng tạo, lồng ghép các hoạt động khơi dậy trí tưởng tượng của trẻ thông qua các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là cho trẻ được kể các câu chuyện theo hiểu biết và sự sáng tạo của các em mà không có sự áp đặt hay đánh giá. Trẻ học tiếng Việt và phát triển ngôn ngữ cân bằng hơn trước rất nhiều khi được học tập và vui chơi theo đúng 4 giai đoạn phát triển song ngữ.”

4 giai đoạn phát triển song ngữ của trẻ
4 giai đoạn phát triển song ngữ của trẻ

Đối với trẻ mầm non mới đến trường và chưa sử dụng thành thạo tiếng Việt, các hoạt động “kể chuyện sáng tạo” trong lớp giúp trẻ học thêm được các từ mới, cải thiện khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, biểu đạt bằng hành động. Cô Thu Hà. – giáo viên phụ trách lớp mẫu giáo lớn tại trường mầm non Cà Dy chia sẻ: “Tôi chia lớp ra thành từng nhóm nhỏ và mỗi nhóm được nhận một bức ảnh. Nhiệm vụ của các em là tự tưởng tượng và kể lại một câu chuyện dựa trên các chi tiết có trong ảnh. Tôi trực tiếp quan sát quá trình làm việc của trẻ và có sự hỗ trợ khi cần thiết, có thể là đặt thêm các câu hỏi hoặc gợi mở các ý chuyện cho trẻ. Các em cũng đặc biệt hứng thú với hoạt động kể chuyện tiếp nối. Khi tôi kể một câu chuyện bất kỳ và dừng lại giữa chừng, rồi yêu cầu trẻ tự sáng tạo kể phần tiếp theo thì ban đầu trẻ còn rụt rè, nhưng khi thực hành được vài lần, trẻ bắt đầu tự tin sáng tạo và thể hiện bản thân. Tôi xem đây là cơ hội để quan sát và hiểu hơn về trẻ, tiếp tục cải tiến các hoạt động giảng dạy trong tương lai.”

Trẻ tham gia các hoạt động kể chuyện theo tranh, kể chuyện nối tiếp trên lớp
Trẻ tham gia các hoạt động kể chuyện theo tranh, kể chuyện nối tiếp trên lớp

Qua nhiều chia sẻ của cán bộ quản lý và giáo viên ở các điểm trường mầm non tại Quảng Nam, có thể thấy rằng hoạt động “kể chuyện sáng tạo” sau thời gian triển khai thực tế đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực. Trẻ được nuôi dưỡng niềm yêu thích đối với ngôn ngữ, phát triển khả năng tư duy, tưởng tượng - sáng tạo, khả năng phán đoán và ghi nhớ. Các hoạt động kể chuyện sáng tạo được sử dụng cả tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ do đó trẻ được nâng đỡ và mạnh dạn, tự tin thể hiện bản thân trước mọi người xung quanh. Sau khi kết thúc hoạt động kể chuyện, trẻ được tham gia vào các hoạt động vui chơi do giáo viên thiết kế liên quan đến nội dung của câu chuyện đó. Khi trẻ được tự do, thoái mái và hứng thú với hoạt động tại lớp, các giáo viên cũng sẽ dần kết nối sâu hơn với trẻ, góp phần cải thiện chất lượng giảng dạy.

Với những giá trị thiết thực và tích cực mà sáng kiến mang lại, hi vọng “kể chuyện sáng tạo” sẽ được nhân rộng hơn nữa tại nhiều trường mầm non trên cả nước, đặc biệt là tại các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống trong tương lai. 

Xem thêm thông tin về dự án BAMI và các dự án khác của VVOB Việt Nam tại: https://vietnam.vvob.org/vi

Tên nhân vật và tên trường trong bài báo đã được thay đổi để đảm bảo tính bảo mật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ