Gắng gượng trong đại dịch
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, TP Cần Thơ là địa phương tập trung nhiều trường tư thục, nhóm trẻ. Sau gần 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gặp khó do phải tạm ngừng hoạt động. Không có nguồn thu, nhiều cơ sở buộc phải ngừng trả lương giáo viên, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa...
Chia sẻ của các chủ trường, hiện áp lực lớn nhất chính là tiền thuê mặt bằng và chi phí hỗ trợ giáo viên, nhân viên. Nếu tình hình ngưng hoạt động tiếp tục kéo dài, sẽ có nhiều hơn cơ sở giáo dục mầm non tư thục buộc phải đóng cửa. Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), quận có hơn 50 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có 4 nhóm trẻ phải giải thể do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đứng trước cánh cổng khóa chặt nhiều tháng qua, bà Lâm Hồng Đào, chủ Nhóm trẻ Búp Sen Hồng, phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) bùi ngùi cho biết: Mỗi năm nhóm trẻ tiếp nhận hơn 70 cháu, chủ yếu là con lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn với nhu cầu gửi trẻ sớm và đón muộn. Mới đây, khi thành phố nới lỏng giãn cách, trường chủ động liên hệ phụ huynh để đăng ký cho trẻ trở lại học thì chỉ có 10% phụ huynh chấp thuận trẻ quay trở lại. Hầu hết, phụ huynh đều từ chối với lý do thất nghiệp về quê, một số khác sợ dịch bệnh nên không gửi…
Theo bà Đào, điều đáng buồn là thời gian nghỉ dịch quá lâu, các giáo viên gặp khó khăn nên cũng chuyển nghề khác để mưu sinh hoặc trở về quê nhà ổn định cuộc sống. “Thời gian qua, nhà trường cố gắng cầm cự, đồng hành cùng cán bộ giáo viên trường, hỗ trợ mỗi cô 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mất nguồn thu, đơn vị cũng gặp khó khăn nên không thể tiếp tục hỗ trợ nữa, dịch kéo dài nên hầu hết giáo viên đều tìm việc khác mưu sinh”, bà Đào tâm sự.
Tỉnh Tiền Giang có 16 trường mầm non, mẫu giáo ngoài công lập và 117 nhóm lớp độc lập tư thục. Riêng địa bàn TP Mỹ Tho có 8 trường mầm non ngoài công lập và trên 60 nhóm trẻ tư thục. Trường nghỉ học kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng. Cuộc sống của giáo viên mầm non vốn dĩ đã vất vả, nay dịch bệnh lại càng vất vả hơn.
Theo bà Phạm Mai Hân, chủ Trường Mầm non Bé Thông Minh (TP Mỹ Tho), một trong những khó khăn hiện nay là tiền thuê mặt bằng đối với nhiều cơ sở là quá lớn. Thực tế nguồn thu, chi của lớp chủ yếu từ học phí của trẻ. Nguồn trả lương cho giáo viên cũng từ đây. Trường có hơn 80 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Để giữ chân giáo viên, trường đã động viên, ổn định tư tưởng đội ngũ. Trường cũng mong có một số chính sách hỗ trợ về thuế và bảo hiểm xã hội…
Đến nay, vẫn còn một số đối tượng lao động tại các trường tư thục vẫn chưa được nhận hỗ trợ do chưa đủ điều kiện theo quy định. Đặc biệt, các nhân viên cấp dưỡng tại nhóm trẻ, cam kết làm việc theo tháng, thời vụ ngắn nên gặp nhiều khó khăn trong công tác hồ sơ nhận hỗ trợ. Nhiều giáo viên gặp khó khăn, một số chuyển nghề khác để mưu sinh hoặc trở về quê nhà. Chị N.T.X.T, ngụ quận Cái Răng (TP Cần Thơ) chia sẻ: “Trước đây tôi là giáo viên mầm non trường tư thục. Do dịch Covid-19, trường tạm dừng hoạt động nên thất nghiệp hơn 3 tháng qua. Dù rất yêu nghề, nhưng để duy trì cuộc sống hiện tại, tôi phải đi tìm việc mới”.
Lo nơi học mới cho trò
Nhiều trường tư giải thể cũng đồng nghĩa với hàng nghìn học sinh không còn chỗ học và phải đi tìm nơi học mới. Chia sẻ về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết: Tỉnh quyết tâm không để em nào bị thiệt thòi trong việc học tập, nhất là học sinh ở các trường giải thể do dịch bệnh. Sở chỉ đạo phòng GD&ĐT, cùng huyện, thị xã rà soát để bám sát tình hình. Nơi nào có trường giải thể thì tiến hành tìm hiểu hỗ trợ. Đối với học sinh tạo điều kiện cho các em học tập tại trường nơi cư trú hoặc lân cận.
“Dịch bệnh khó khăn, trường giải thể, các em càng thiệt thòi nên phải cố gắng chăm lo. Trước mắt nắm bắt thông tin càng sớm càng tốt để kịp thời hỗ trợ học sinh. Ngành Giáo dục địa phương bố trí, sắp xếp các em nơi học mới thuận tiện, không để em nào phải bỏ học”, bà Phượng nhấn mạnh.
Tại TP Cần Thơ, Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy chủ động liên hệ chủ các nhóm trẻ để kịp thời nắm bắt thông tin, từ đó phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các cháu đang theo học ở các nhóm trẻ bị giải thể có nhu cầu đăng ký về trường công lập trên địa bàn. “Phòng chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non trong và ngoài công lập trên địa bàn quận tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa việc tiếp nhận trẻ tại cơ giáo dục bị giải thể”, bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết.
Đối với chủ các nhóm trẻ, chủ trường khi giải thể cũng chủ động liên hệ ngành Giáo dục và địa phương để bố trí nơi học mới cho học sinh. “Hơn 18 năm gắn bó với ngành Giáo dục và 11 năm gây dựng nhóm trẻ, giờ dịch bệnh ảnh hưởng không thể tiếp tục giữ hoạt động của nhóm trẻ cũng buồn lắm”, bà Lâm Hồng Đào bộc bạch. Sau khi giải thể, bà đã chủ động thông tin với từng phụ huynh đang gửi con tại nhóm trẻ, phối hợp với Phòng GD&ĐT quận hỗ trợ kết nối, giới thiệu các cháu đến cơ sở giáo dục mầm non trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh học sinh có nơi gửi trẻ sau khi hết dịch.