Chia sẻ sáng kiến giảm thiểu rào cản ảnh hưởng đến việc học của trẻ mầm non

GD&TĐ - Mong muốn trẻ mầm non tích cực, mạnh dạn, tự tin và phát triển tốt các kỹ năng, nhà trường sáng tạo để trẻ "học thông qua chơi".

Góc trưng bày của ngành Giáo dục huyện Đăk Tô.
Góc trưng bày của ngành Giáo dục huyện Đăk Tô.

Ngày 7/12, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla – măng, vương quốc Bỉ tại Việt Nam (viết tắt là VVOB) tổ chức Hội thảo chia sẻ sáng kiến giảm thiểu các rào cản ảnh hưởng đến việc học của trẻ mầm non và tổng kết dự án BAMI tỉnh Kon Tum.

Dự án "Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều DTTS cùng sinh sống tại tỉnh Kon Tum, Việt Nam" giai đoạn 2017-2021 (dự án BAMI) được VVOB và tỉnh Kon Tum ký kết cuối năm 2017. Từ năm 2018 đến nay, dự án đã triển khai các hoạt động tại 4 huyện Kon Plong, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy với 42 trường tham gia gồm 490 lớp mẫu giáo và 12.942 trẻ.

Tại Hội thảo, các đại biểu được tham quan góc trưng bày và lắng nghe đại diện các Phòng GD&ĐT, trường Mầm non trình bày việc quan sát trẻ và học thông qua chơi, xây dựng môi trường giàu ngôn ngữ, chương trình mầm non có đáp ứng giới, những câu chuyện thay đổi có ý nghĩa của các đơn vị trường mầm non.

Ông Lù Văn Tú, phụ trách chuyên môn mầm non Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô chia sẻ tại Hội thảo.
Ông Lù Văn Tú, phụ trách chuyên môn mầm non Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô chia sẻ tại Hội thảo.

Sau 4 năm triển khai thực hiện dự án, mỗi thành viên trong nhóm nòng cốt đã được trang bị kiến thức, kĩ năng và các công cụ thực hiện hệ thống quan sát trẻ theo quá trình, phát triển chuyên môn giáo viên. Sự thay đổi về nhận thức của nhóm nòng cốt bắt đầu từ cách thức làm việc gần gũi, thân thiện, cởi mở, năng động.

Bên cạnh đó, sự cải thiện khi tổ chức các hoạt động giúp tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học thông qua chơi và học bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ theo quan điểm giáo dục “Lấy trẻ làm trung tâm”.

Đồng thời đảm bảo về mặt tâm lý cho trẻ, trẻ thường xuyên được giao tiếp, được chia sẻ ý kiến, được đưa ra ý tưởng, mối quan hệ giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với những người xung quanh trở nên thân thiện, tự nhiên. Ngoài ra triển khai thiết kế xây dựng góc phát triển ngôn ngữ, sử dụng kỹ thuật đọc sách truyện.

Đại biểu tham gia Hội thảo.
Đại biểu tham gia Hội thảo.

Ông Lù Văn Tú, phụ trách chuyên môn mầm non Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô cho biết, địa phương có 11 đơn vị trường Mầm non với 153 lớp, 4.250 trẻ. Trong đó có 2.913 trẻ là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 69%.

Theo ông Tú, sau khi triển khai dự án BAMI 11/11 đơn vị trường học tạo được môi trường bên ngoài có đầy đủ các góc chơi phù hợp với tình hình địa phương. Qua đó, đảm bảo trẻ được khám phá, trải nghiệm, tham gia các hoạt động khi ở trường. Bên cạnh đó, 100% các lớp thiết kế đa dạng góc vui chơi, sắp xếp gọn gàng, hợp lý.

Đồng thời, giáo viên đã áp dụng các phổ chơi linh hoạt dựa trên nhu cầu của trẻ cũng như định hướng của giáo viên. Qua đó, trẻ tham gia các hoạt động giáo dục tích cực, mạnh dạn, tự tin. Ngoài ra các kỹ năng phát triển tốt, đặc biệt là cảm giác thoải mái và học ở mức độ sâu mỗi ngày được nâng lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ