Quảng Nam – Đà Nẵng: Khơi thông sông Cổ Cò với nhiều “tham vọng”

GD&TĐ - Hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng” vừa diễn ra. Dự án này đã được khởi động cách đây 17 năm và “ngủ quên” cho đến nay.

Khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò.
Khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò.

“Đánh thức” tham vọng

Ông Phùng Phú Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay, năm 2003, lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương khởi động dự án khơi thông sông Cổ Cò. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, ý tưởng ấy được triển khai rất chậm. 

Theo ông Phong, đến tháng 11/2016, Thủ tướng đã có những chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ và hỗ trợ về nguồn lực đầu tư. Theo đó giao cho các Bộ: KH&ĐT, TN&MT bổ sung dự án khơi thông sông Cổ Cò vào danh mục các dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Từ đó, cả hai địa phương đã chỉ đạo các sở ngành tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn chưa được như mong đợi. 

Cũng theo ông Phong, về phía Đà Nẵng, tổng mức đầu tư khoảng 486 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 146 tỷ đồng, ngân sách thành phố là 340 tỷ đồng. Dự án hướng tới 3 mục tiêu là bảo vệ dòng sông, khai thác du lịch đường sông và xây dựng hình ảnh đô thị… “Về tình hình chung phía Đà Nẵng không còn vướng mắc và có thể chủ động triển khai các bước tiếp theo”, ông Phong nói.

“Khi con sông Cổ Cò được khơi thông, mọi người dân Quảng Nam, Đà Nẵng và du khách sẽ được sống lại với những ký ức về dòng Lộ Cảnh Giang thơ mộng và đầy sức sống khi xưa. Con sông sẽ kết lại một dải danh lam thắng cảnh từ Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đến vịnh Thuận Phước như một dải lụa chan chứa sắc màu. Đó cũng chính là biểu tượng cho sự hợp tác phát triển của hai địa phương, biểu tượng Kết nối một dòng sông”, ông Phong nhận định.

Còn ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, khu vực ven biển, ven sông Cổ Cò từ TP Đà Nẵng qua thị xã Điện Bàn đến TP Hội An là vùng trọng điểm phát triển thu hút đầu tư.

“Sau khi có các quy hoạch, để thực hiện xây dựng theo quy hoạch cần có những công cụ quản lý hữu hiệu, đặc biệt là về vấn đề không gian kiến trúc cảnh quan. Khu vực nghiên cứu là khu vực ven biển, ven sông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Khu vực kế cận di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là TP Hội An, không gian khu vực chứa đựng các yếu tố đặc trưng về kiến trúc cảnh quan cần được bảo vệ và đảm bảo phát triển bền vững”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, định hình toàn bộ tuyến ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP Hội An là “Chuỗi công viên văn hóa - lịch sử - sinh thái Quảng Nam” được giới hạn bởi tuyến giao thông ven sông thành 5 khu công viên với tổng diện tích khoảng 408 ha. Tuyến ven biển Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP Hội An tổ chức 12 không gian công viên cây xanh hướng biển với tổng diện tích khoảng 128 ha.

Ông Hùng nhấn mạnh, tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP Hội An là trục không gian trọng tâm, là lá phổi của tỉnh Quảng Nam, xây dựng hình ảnh tương lai ‘‘mở ra dòng sông’’ và ‘‘tràn đầy sức sống’’; đảm bảo được tính: Kết nối không gian Đà Nẵng - Quảng Nam; Kết nối không gian hai bờ sông; Tạo cảnh quan hai bờ sông; đảm bảo không gian công cộng phục vụ đô thị và trực tiếp cho cộng đồng dân cư, du khách; Thu hút và định hướng quản lý không gian cảnh quan các dự án đầu tư phát triển hai bên bờ.

Việc khơi thông sông Cổ Cò sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng.
Việc khơi thông sông Cổ Cò sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng.

Trở thành con sông đẹp nhất Việt Nam?

Dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò bắt đầu chuyển động từ năm 2003, khi Công ty Tư vấn giao thông đường thủy (thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế, Bộ GTVT) tổ chức khảo sát và lập dự án sau khi chính quyền hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ cho con sông này. Đến năm 2019, Đà Nẵng và Quảng Nam mới chính thức triển khai dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò. Khi Quảng Nam và TP Đà Nẵng cùng nhau khơi thông dòng sông Cổ Cò dài 25 km (trong đó đoạn chảy qua tỉnh Quảng Nam dài 19,7 km) không chỉ sẽ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc.

GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng cùng bắt tay khơi thông sông Cổ Cò không chỉ mang lại lợi ích kinh tế. Nó còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa nhân văn sâu sắc. Dự án sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển từ Đà Nẵng vào Hội An bằng đường thủy chỉ còn chưa đầy 2 giờ. Nó cũng tạo lợi thế lớn về cơ sở hạ tầng, làm đòn bẩy giúp thị trường bất động sản sôi động, thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế. 

Còn GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MTcho hay: “Về nguyên tắc, kinh phí thực hiện dự án khơi thông sông Cổ Cò hoàn toàn có thể lấy từ giá trị đất đai tăng thêm trong tương lai. Một con sông được khôi phục sẽ tạo giá trị đất đai tăng thêm rất cao và tạo giá trị gia tăng cho du lịch. Mặt khác dự án cũng tạo được tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, chất lượng cao trên vùng đất nối giữa Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, liên kết Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam thành một trung tâm du lịch mạnh của Bắc Trung Bộ”.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, khơi thông dòng sông sẽ giúp mở rộng đô thị của Hội An về phía Bắc và phát triển khu vực đô thị của Đà Nẵng về phía Nam.

“Tôi tin chắc rằng khi khơi thông sông Cổ Cò sẽ là tiềm năng về phát triển du lịch nghỉ dưỡng dọc ven biển từ Đà Nẵng đến Hội An trở nên sống động và hấp dẫn. Sông Cổ Cò được khơi thông sẽ tăng cường khả năng thoát lũ, tăng cường cảnh quan môi trường sinh thái. Kỳ vọng của Đà Nẵng và Quảng Nam là sẽ biến con sông Cổ Cò thành một trong những con sông đẹp nhất của Việt Nam”, ông Thanh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.