Dấu ấn môn Lịch sử
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014, cả tỉnh Quảng Nam có gần 20 nghìn TS dự thi. Cũng như TS trên cả nước, trong số 6 môn tự chọn thì môn Sử là sự lựa chọn ít nhất của TS Quảng Nam.
Cụ thể, trong khi các môn Hóa, Lý có hơn 10 nghìn TS, Sinh gần 9.000, Địa gần 7.000, tiếng Anh gần 3.000 thì môn Sử chỉ có 775 TS chọn làm môn thi tốt nghiệp. Khá nhiều trường THPT chỉ có một vài học sinh, thậm chí có đến 12 trường không có học sinh nào đăng ký dự thi môn Sử.
Vì vậy, tại kỳ thi vừa qua mới xảy ra tình trạng chưa từng có từ trước đến nay, đó là việc khá nhiều hội đồng coi thi tại buổi thi môn Sử chỉ có 1 - 2 TS, thậm chí nhiều hội đồng coi thi phải nghỉ sớm vì không có TS.
Không được nhiều TS chọn lựa nhưng kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm nay ít nhiều đã đem lại niềm vui cho các nhà quản lý giáo dục cũng như giáo viên dạy bộ môn Sử.Không hề “quay lưng”
Theo nhận xét của ông Hà Thanh Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, trong số 24 TS đạt điểm 10 môn Sử kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, có 3 HS tốt nghiệp loại giỏi, 12 tốt nghiệp loại khá. Điều đó chứng tỏ không phải học trò hiện nay không thích học môn Sử mà nhiều học sinh học lực khá giỏi vẫn chọn môn này.
Một số học sinh có số điểm thi tốt nghiệp khá cao như Võ Thị Thúy Hòa (THPT Trần Quý Cáp, Hội An) đạt 37,5 điểm và tốt nghiệp loại giỏi (thủ khoa tốt nghiệp cả tỉnh là 38,5 điểm), Phạm Thị Kim Hường (THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) đạt 36,5 điểm và tốt nghiệp loại giỏi, Nguyễn Thị Hồng Hương (THPT Trần Văn Dư, Phú Ninh) đạt 35,5 điểm và tốt nghiệp loại khá.
Ở một góc nhìn khác, thầy giáo Nguyễn Thành Khoa - giáo viên dạy môn Sử Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, nguyên nhân ít TS chọn môn Sử tại kỳ thi vừa qua là vì thường học sinh chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi đại học của mình.
Khối A và B thường có số lượng TS dự thi áp đảo tại kỳ thi đại học so với khối C nên không bất ngờ khi học sinh chọn môn Lý, Hóa, Sinh nhiều ở kỳ thi tốt nghiệp.
Hơn nữa, so với môn Địa, môn Sử học khó hơn. “Môn Địa chỉ cần TS sử dụng hiệu quả Atlas là làm bài được còn môn Sử thi tự luận đòi hỏi học sinh học bài nhiều mới có thể nắm bắt được sự kiện. Môn học này còn cần ở học trò khả năng phân tích, đối chiếu, đánh giá sự kiện. Ngoài ra, đề thi môn Sử thường có câu hỏi “mở”, đòi hỏi học trò phải liên hệ thực tế” - thầy Khoa chia sẻ.
Ít TS lựa chọn môn Sử để dự thi tốt nghiệp không có nghĩa là học trò ngày nay “quay lưng” với môn học bổ ích này. Có 24 TS đạt điểm 10, trong đó nhiều trường hợp tốt nghiệp loại khá, giỏi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã nói lên niềm đam mê với môn Sử của một bộ phận học trò đất Quảng.