Quảng cáo trái phép về sản phẩm hỗ trợ tiểu đường DK-Betics: Đề nghị làm rõ dấu hiệu lừa đảo

GD&TĐ - Đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm DK-Betics khẳng định không tiến hành các quảng cáo sai sự thật về loại thực phẩm cùng tên đang bán tràn lan trên mạng.

Hiện, có 2 sản phẩm mang tên DK-Betics do Công ty Cổ phần Dược Khoa phân phối, tiếp thị.
Hiện, có 2 sản phẩm mang tên DK-Betics do Công ty Cổ phần Dược Khoa phân phối, tiếp thị.

Luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm điều tra dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sản xuất hàng giả, hàng nhái và lừa dối người tiêu dùng...

La liệt quảng cáo giả mạo DK-Betics

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe DK-Betics được sản xuất tại Nhà máy Dược phẩm DKPharma - Chi nhánh Bắc Ninh, phân phối, tiếp thị bởi Công ty Cổ phần Dược Khoa.

Ngày, 11/11, Công ty Cổ phần Dược Khoa phản hồi thông tin xác minh từ Báo Giáo dục và Thời đại khẳng định: “Các trang chính thức của Dược Khoa bao gồm: Trang web công  ty: http://dkpharma.vn/. Trang web sản phẩm: https://dkbetics.com/. Fanpage công ty: https://www.facebook.com/DuocKhoaPharma. Fanpage sản phẩm: https://www.facebook.com/dkbetics.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều nhà thuốc phát triển kinh doanh online nên có lập các fanpage, trang web riêng. Công ty cũng cố gắng nhưng không thể kiểm soát hết các nội dung này”.

Công ty Dược Khoa cho biết, nhiều đơn vị khác lợi dụng hình ảnh, thương hiệu của Dược Khoa và chuyên gia Trần Văn Ơn để quảng cáo bán hàng. Công ty Dược Khoa đã có nhiều thông tin phản hồi trên báo chí.

Tuy nhiên, hiện các thông tin sai sự thật về sản phẩm DK-Betics không do Công ty Dược Khoa thực hiện vẫn phủ khắp không gian mạng, từ Facebook, Google cho đến YouTube... mà chưa có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Chẳng hạn, trên page: “Dk Betics - hạ và ổn định đường huyết hiệu quả” quảng cáo sản phẩm DK-Betics có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường, thậm chí là điều trị gấp 2 lần so với sản phẩm không chiết xuất từ dây thìa canh lá to.

Các quảng cáo sai sự thật khác cũng được thực hiện trên page “Viên thìa canh lá to DK Betics - Công ty Dược Khoa” suốt thời gian dài.

2 page nêu trên sử dụng số điện thoại tiếp thị 0911865445, 0985589001... Khi PV đề nghị mua sản phẩm, nhân viên bán hàng đề nghị PV mua qua hình thức online, nếu ở Hà Nội thì mua tại địa chỉ số 9, Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ngoài ra, trên Google, YouTube cũng xuất hiện rất nhiều quảng cáo trái quy định về loại thực phẩm DK-Betics tương tự trên Facebook.

Anh Nguyễn Văn Thái, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho rằng: Nếu cơ quan chức năng không sớm vào cuộc kiểm tra, có thể sẽ khiến cho nhiều người rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” do người dân không tiếp cận được các sản phẩm chính hãng.

Cần bảo vệ quyền lợi của khách hàng

Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Căn cứ thông tin mà Báo Giáo dục và Thời đại cung cấp thì có đủ cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh hoạt động quảng cáo của Công ty Cổ phần Dược Khoa cũng như các sản phẩm đang quảng cáo, tiếp thị, bán hàng giống với sản phẩm của Dược Khoa nhằm xác định đối tượng và hành vi cụ thể.

Cơ quan chức năng có thể xác minh các hành vi của page Facebook, website bán sản phẩm có tên DK-Betics nhưng đó chỉ là sản phẩm giống với DK-Betics của Công ty Dược Khoa.

Cơ quan chức năng có thể căn cứ trên mức độ hàng hóa đã bán ra, số tiền thu về, hoạt động quảng cáo trên không gian mạng... để xử lý theo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sản xuất và bán hàng giả, hàng nhái...

Nếu các quảng cáo trên là đại lý phân phối sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược Khoa thì cơ quan chức năng cần xử lý trách nhiệm của Công ty này về hành vi lừa dối người tiêu dùng, cung cấp thông tin không đúng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm...

Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, trước khi cơ quan chức năng có những kết luận chính thức về sự việc thì người tiêu dùng cần nêu cao cảnh giác khi mua sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Mỗi người nên tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ mua hàng ở địa chỉ tin cậy do Công ty chính hãng công bố, mua tại công ty hoặc cơ sở khác được đăng ký và công bố thông tin rõ ràng...

Theo quy định, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như DK-Betics chỉ là thực phẩm, không có tác dụng chữa bệnh. Vì vậy, khi quảng cáo, các đơn vị chịu trách nhiệm phải khuyến cáo rõ “sản phẩm không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh”.

Đồng thời, nội dung quảng cáo, tiếp thị không được dùng từ ngữ như “điều trị”, “chữa bệnh”, “hết bệnh”... để mô tả về sản phẩm, hoạt chất, thành phần có trong sản phẩm.

Được biết, hiện trên mạng có 2 loại sản phẩm là DK-Betics Gold và DK-Betics đều do Công ty Cổ phần Dược Khoa phân phối, tiếp thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ