Quảng Bình: Nỗ lực giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em

GD&TĐ - Quảng Bình là tỉnh có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, bởi vậy nguy cơ đuối nước cho trẻ em luôn đặt trong tình trạng báo động.

Tai nạn đuối nước thường tập trung tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều sông suối, thiếu các điểm vui chơi giải trí, hồ bơi cho trẻ em, học sinh. Ảnh: T.H
Tai nạn đuối nước thường tập trung tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều sông suối, thiếu các điểm vui chơi giải trí, hồ bơi cho trẻ em, học sinh. Ảnh: T.H

Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 190 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. 

Những vụ đuối nước thương tâm

Đã gần 4 tháng trôi qua, nhưng mỗi lần nhìn vào di ảnh của đứa cháu ngoại xấu số, ông Cao Đình Miền (trú tại thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn không cầm được nước mắt.

Ngày 26/7, cháu ngoại của ông Miền là Cao A.Q. (SN 2011), trong lúc người lớn đi làm, cháu đã tự ra vườn chơi và không may rơi xuống ao cá của gia đình rồi tử vong. Cái chết đau lòng của cháu bé để lại nỗi đau và sự hối hận khôn nguôi của người lớn khi không quản lý chặt con trẻ.

Cụ thể, ngày 7/8, vợ chồng anh Đinh Văn Lương, chị Đinh Thị Luyến ở thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa đau đớn khi cậu con trai mới tròn 10 tuổi bị đuối nước ở ao cá nhà hàng xóm. Gần đây nhất, ngày 12/9, tại thôn Tân Lợi, xã Hóa Hợp, ao cá của gia đình cũng đã cướp đi sinh mạng của cháu Đinh T.K. (SN 2017).

Không chỉ tại huyện miền núi Minh Hóa, tại nhiều địa phương khác ở Quảng Bình, thời gian qua cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ trẻ em bị đuối nước, nguyên nhân đều do rơi xuống ao nuôi cá.

Có những vụ tai nạn khủng khiếp, cướp đi cùng lúc sinh mạng của 3 đứa trẻ. Đó là trường hợp 3 cháu nhỏ: N.T.P.H. (SN 2016), N.V.H. (SN 2017) và cháu Đ.N.M.Q. (SN 2017) rơi xuống hồ cá của ông ngoại ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy rồi tử vong.

Nhiều giải pháp để phòng chống đuối nước cho trẻ em

Quảng Bình đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Ảnh: Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình cung cấp
Quảng Bình đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Ảnh: Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình cung cấp

Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Bình cũng đã triển khai nhiều giải pháp để truyền thông, giáo dục, thay đổi hành vi nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Theo ông Trịnh Đình Dương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình, tai nạn đuối nước ở trẻ em có nhiều nguyên nhân, nhưng qua thống kê các trường hợp tử vong thì chủ yếu do các nguyên nhân cơ bản như: Thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội.

Các em chưa thực sự ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm biển, sông, suối; mặt khác, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương, cơ sở quan tâm đúng mức; trong khi đó, địa hình của tỉnh Quảng Bình có nhiều ao, hồ, sông, suối.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, số trẻ em bị tai nạn đuối nước tại Quảng Bình tăng khá nhiều. Năm 2015, toàn tỉnh có 17 em tử vong do đuối nước, năm 2016 có 36 em, năm 2017 có 32 em, năm 2018 có 18 em, năm 2019 có 41 em, năm 2020 có 26 em và từ đầu năm 2021 đến nay đã khoảng 20 em tử vong vì đuối nước.

Tình trạng tai nạn đuối nước ở trẻ em ngày càng gia tăng về số vụ lẫn số người chết. Nỗi đau, mất mát đó mãi là nỗi ám ảnh, khó có thể xoa dịu theo thời gian và không có gì bù đắp được. Để không phải chứng kiến những vụ tai nạn sông nước thương tâm đối với trẻ em rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Thông qua dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam” do Quỹ từ thiện Bloomberg của Hoa Kỳ tài trợ thông qua Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) và Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH).

Đã có 2.000 trẻ em ở Quảng Bình được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, 300 trẻ em được học bơi an toàn, 1.560 phụ huynh và giáo viên được tập huấn phòng chống đuối nước… góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em tại địa phương này.

Do tình hình dịch Covid-19 tại Quảng Bình diễn biến phức tạp nên trong năm 2021, các hoạt động phòng chống đuối nước ở trẻ em có tập trung đông người vẫn chưa thể triển khai.

Tuy nhiên, các đơn vị đã tích cực làm tốt các hoạt động tuyên truyền, cắm biển cảnh báo tại khu vực nguy hiểm để giảm thiểu tối đa tai nạn đuối nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.