Phòng chống đuối nước: Lưu ý việc bàn giao học sinh từ nhà trường về địa bàn dân cư

GD&TĐ - Ngày 23/9, tại Hà Nội diễn ra hội thảo trực tuyến về “Thực trạng, giải pháp phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo.

Tham dự cuộc họp có đại diện các Vụ, Cục trực thuộc Bộ GD&ĐT, Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), cùng các Sở GD&ĐT, Sở LĐTB&XH của 63 tỉnh, thành trên cả nước…

Trẻ em tử vong do đuối nước vẫn ở mức cao

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, thời gian qua, việc phòng chống thương tích cho trẻ em nói chung và học sinh nói riêng, trong đó có phòng chống đuối nước tuy có nhiều cố gắng, nhưng còn nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.

Giai đoạn 2016 – 2020, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ tử vong liên quan đến đuối nước. Chỉ tính riêng từ 30/4 đến nay, cả nước xảy ra 54 vụ, với 89 trẻ tử vong.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước phải kể đến sự quản lý lỏng lẻo của các gia đình, thiếu nhận biết, kỹ năng của chính bản thân học sinh… Đây là tránh nhiệm của ngành GD-ĐT, ngành Lao động TB&XH, cùng các bộ ngành liên quan khác.

Ngày 19/7, Chính phủ tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt chương trình phòng chống thương tích cho trẻ em, giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em và học sinh vẫn tiếp tục được quan tâm hàng đầu.

Theo ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT), từ năm 2016, Bộ GD&ĐT đã ban hành trên 20 văn bản chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, trú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hình thành thói quen tuân thủ các nguyên tắc an toàn phòng chống đuối nước cho các em.

Đồng thời, lồng ghép các kiến thức, kỹ năng trong dạy học, thường xuyên duy trì hình thức nhắc nhở, khuyến cáo học sinh ở tiết học cuối, khi học sinh tan học…

Một số giải pháp, nhiệm vụ triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025, đó là hoàn thiện lại hệ thống văn bản, chương trình, kế hoạch hành động về phòng chống thương tích, đuối nước cho trẻ em và học sinh. Rà soát, sửa đổi tiêu chí, xây dựng mô hình trường học an toàn.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục với mục tiêu mỗi học sinh sẽ vận dụng được kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trong cuộc sống, để tự bảo vệ bản thân.

Phát triển các câu lạc bộ bơi, các hoạt động bơi dành cho đối tượng học sinh. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành… để tổ chức các hoạt động, nhất là trong dịp nghỉ hè.

Chuẩn hóa, số hóa hệ thống tài liệu về kỹ năng an toàn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, để có thể hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và các cơ quan chức năng ở địa phương.

“Hy vọng, các tổ chức, sở, ban, ngành, thầy cô giáo… tiếp tục đồng hành cùng ngành GD-ĐT, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ, nhằm hạn chế tai nạn thương tích của trẻ, trong đó có đuối nước ở trẻ em và học sinh trong thời gian tới”, ông Đề nói.

Cần tăng cường công tác chủ động, phòng ngừa.

Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), trong giai đoạn 2016 – 2020, trung bình mỗi năm giảm 100 trẻ em tử vong do đuối nước so với giai đoạn 2010 – 2015. Tuy nhiên, tình trạng đuối nước ở trẻ em của Việt Nam vẫn đang ở mức cao, giảm chậm, là nguyên nhân tử vong hàng đầu cho trẻ.

Giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ cần mạnh mẽ hơn, từ thụ động (giải quyết hậu quả), sang chủ động phòng ngừa, bằng việc tạo lập môi trường, kỹ năng sống. Việc rà soát an toàn, cắm biển cảnh báo, cử người cảnh giới vẫn chưa được thực hiện, do đó cần tăng cường công tác chủ động, phòng ngừa.

Cần có lộ trình phổ cập kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước cho học sinh. Đưa giáo dục phòng chống đuối nước trở thành học phần bắt buộc của môn Giáo dục Thể chất trong trường học ở các vùng, địa phương có chỉ số trẻ em bị tai nạn thương tích cao.

Ông Nam cũng đề nghị, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐTB&XH nhân rộng, tổ chức hiệu quả việc bàn giao, quản lý học sinh trong dịp nghỉ hè giữa nhà trường với chính quyền cơ sở, tổ chức đoàn thanh niên... Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, để từ đó giảm thiểu tai nạn thương tích, đuối nước.

“Với sự vào cuộc tích cực của ngành GD-ĐT, chúng tôi tin rằng, ngày càng có nhiều cộng đồng, trường học, gia đình an toàn, kéo giảm tình trạng đuối nước, cứu được nhiều sinh mạng trẻ em và học sinh”, ông Nam nói.

Cũng tại hội thảo, đại diện các Sở, Phòng GD&ĐT của các địa phương đã có những tham luận nêu ra các thực trạng, nguyên nhân, giải pháp… nhằm đóng góp ý kiến, xây dựng vào kế hoạch, nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới. Bộ GD&ĐT đã tuyên dương, khen thưởng 5 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh ở trường học.

Kết lại hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao ý kiến đóng góp, tham luận của các đại biểu tham dự hội thảo.

“Phòng, Sở GD&ĐT các địa phương cần thấy rõ trách nhiệm của mình nêu trong Luật Trẻ em năm 2016, để bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất, trong đó có phòng chống đuối nước.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, giáo viên tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp với nhà trường, gia đình, các tổ chức xã hội. Lưu ý đến công tác bàn giao học sinh từ nhà trường về sinh hoạt tại địa bàn dân cư…”, Thứ trưởng Minh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.