Sự phối hợp giữa giáo dục & điện ảnh

GD&TĐ - Đứng trước việc điện ảnh đang cho thấy sức ảnh hưởng không biên giới, các trường đại học tại khu vực châu Á, đi đầu là Trung Quốc, đã tiến hành chương trình kết hợp với các trường đại học chuyên về điện ảnh tại Mỹ để hướng đến việc thành lập một trung tâm đào tạo điện ảnh tại châu Á.

Sự phối hợp giữa giáo dục & điện ảnh

Tham vọng điện ảnh Phương Đông

Trong một vài năm trở lại đây, doanh thu phòng vé của các bộ phim bom tấn của Holywood đã tăng lên một cách đáng kể so với giai đoạn những năm 2000 – 2010. Sự gia tăng này về bản chất không xuất phát từ việc chất lượng phim được cải thiện hay giá vé có chiều hướng giảm mà chủ yếu đến từ các chiến dịch quảng bá và công chiếu phim rộng rãi sang các thị phần tiềm năng khác.

Trong đó, châu Á chiếm một tỉ lệ đáng kể trong kế hoạch tấn công thị trường quốc tế này và Trung Quốc chính là con bài chiến lược cho các hãng phim quốc tế khi muốn tăng doanh thu bên ngoài thị trường trong nước. Đơn cử đã từng có một số phim dù không thật sự thành công ở thị trường trong nước nhưng đã tạo tiếng vang tại châu lục có dân số lớn nhất thế giới này và đem về những khoản tiền khổng lồ cho nhà sản xuất.

Chính sự thay đổi này đã khiến cho các nhà làm phim, các trung tâm nghiên cứu phim tại Hollywood nghĩ đến tham vọng xây dựng một kinh đô điện ảnh thứ hai của Hollywood tại các quốc gia châu Á như Nhật, Hàn Quốc nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là “mỏ tiền” của điện ảnh Mỹ, Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong khi các trung tâm đào tạo nghiên cứu này còn đang lên kế hoạch triển khai thì chính phủ Trung Quốc đã tiến hành thực hiện kế hoạch xúc tiến việc xây dựng một Hollywood phương Đông ngay tại thành phố có mật độ giao dịch quốc tế hàng đầu của đất nước, Thượng Hải. Được xem là kinh đô điện ảnh của Điện ảnh Trung Quốc, Thượng Hải đã có sẵn những cơ sở hạ tầng và tiềm lực để có thể phát triển trở thành một trung tâm điện ảnh không kém gì Hollywood trong tương lai, tất nhiên là với sự hợp tác của những trường đại học điện ảnh hàng đầu đến từ Hollywood.

Theo đó, chính phủ Trung Quốc sẽ xúc tiến mối quan hệ hợp tác không chỉ với các trung tâm đào tạo điện ảnh tại Hollywood mà còn với những trường đại học về sản xuất phim tại Anh, Pháp, Đức, Hong Kong và Hàn Quốc để giúp Thượng Hải trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất, làm phim khi bắt đầu một dự án mới.

Tham vọng nằm trong kế hoạch 5 năm của chính phủ Trung Quốc được triển khai từ năm 2015 khẳng định ngành công nghiệp điện ảnh sẽ là một trụ cột trong giai đoạn cấu trúc lại nền kinh tế của quốc gia. Một trong những bước triển khai đầu tiên của chương trình chính là việc xây dựng và cho đi vào hoạt động 20 rạp chiếu phim mỗi ngày trong năm 2016, giúp số lượng rạp chiếu phim của quốc gia này đang tiến gần và hứa hẹn sẽ vượt qua Mỹ trong năm 2017.

“Chính phủ Trung Quốc mong muốn thị trường điện ảnh Trung Quốc sẽ phát triển đều đặn mỗi năm để có thể trở thành số một thế giới, vượt mặt Hollywood, Mỹ, trong thời gian sớm nhất là 5 năm tới”, Stanley Rosen, giáo sư chuyên ngành điện ảnh Phương Đông tại Đại học Nam California, cho biết. Đại học Nam California cũng chính là đối tác chiến lược trong kế hoạch xây dựng trung tâm điện ảnh Hollywood phương Đông của Trung Quốc.

Xóa bỏ những hạn chế

Đặt mục tiêu đầy tham vọng nên kế hoạch xây dựng một kinh đô điện ảnh thứ hai tại phương Đông của chính phủ Trung Quốc cũng đối mặt rất nhiều những thách thức và khó nhăn nhất định. Sự thiếu hụt về nhân sự và một mạng lưới về nhân lực tương lai chính là khó khăn hàng đầu khi mở rộng quy mô của ngành công nghiệp điện ảnh của quốc gia này.

Thật vậy, dù có đầy đủ những cơ sở hạ tầng và ngân sách để thực hiện các công trình hay kế hoạch điện ảnh khổng lồ nhưng họ lại thiếu những người có đủ kỹ năng để tạo ra sự khác biệt và tầm vóc cho các công trình ấy.

Giải pháp cho sự thiếu hụt này là việc thuê các chuyên gia đến từ Hollywood với mức thù lao ngất ngưỡng để thực hiện các dự án, một việc làm phân rõ đẳng cấp làm phim giữa Hollywood với những nhà sản xuất nội địa. “Có một nghịch lý là các dự án làm phim lớn của Hollywood trong một vài năm trở lại đây được thực hiện tại Trung Quốc hoặc được tài trợ bởi các nhà sản xuất quốc gia này trong khi bản thân nhà làm phim Trung Quốc lại thiếu những nhân tố có khả năng sáng tạo và trình độ kỹ thuật để có thể tạo ra một dự án hoàn thiện”, Alan Baker, phó khoa kế hoạch quốc tế tại Đại học Nam California, là một trong những thành viên tham gia dự án kết hợp xây dựng Hollywood phương Đông, cho biết.

Nhận thấy việc tạo ra một cơ sở và nguồn cung cấp nhân sự có đủ năng lực trong tất cả các khâu của ngành công nghiệp sản xuất phim là yếu tố then chốt có thể giúp cạnh tranh với Hollywood, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chương trình đầu tư hợp tác quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thuộc khuôn khổ ngành công nghiệp điện ảnh.

Kế hoạch đầu tư với mức ngân sách ở mức kỷ lục, 10 tỉ USD mỗi năm, bao gồm việc giúp các trường đại học chuyên về văn hóa nghệ thuật của Trung Quốc thiết lập các mối quan hệ hợp tác với những trường đại học, trung tâm đào tạo điện ảnh Mỹ, vốn là nơi cung cấp những kỹ thuật viên, đạo diễn, nhân viên làm phim hàng đầu cho Hollywood, để xây dựng những chương trình đào tạo tương ứng.

Chương trình hợp tác không chỉ giúp cho các khóa học đào tạo ngành công nghiệp điện ảnh trở nên chuyên nghiệp hơn mà với danh tiếng của những ngôi trường, đặc biệt như Đại học Nam California, thì cũng sẽ giúp chương trình dễ dàng thu hút học viên hơn.

Bên cạnh các chương trình hợp tác, một số trường như Đại học Giao thông Tây An đã tiến hành xây dựng một trung tâm đào tạo về Điện ảnh và Truyền hình tại Tô Châu, cách Thượng Hải khoảng 100km, với đầy đủ các thiết bị học tập và thực hành làm phim như phim trường, phòng dựng kỹ xảo điện ảnh...

Đây là dự án kết hợp giữa Đại học Giao thông Tây An, Đại học Liverpool và Tập đoàn tài chính Gold nhằm cung cấp những chương trình đào tạo điện ảnh chất lượng cao được thiết kế bởi khoa văn hóa nghệ thuật của Đại học Liverpool.

Bên cạnh việc đào tạo về các kiến thức chuyên môn, trường cũng sẽ cung cấp những thông tin về văn hóa, tôn giáo để giúp các nhà làm phim không gặp phải những khó khăn khi sản xuất và phát hành phim tại Trung Quốc.

“Những khóa học mới về phim ảnh và văn hóa tại Trường Đào tạo Điện ảnh và Truyền hình Tô Châu nhận được rất nhiều phản hồi tích cực về việc phát triển đội ngũ nhân lực có đầy đủ kỹ năng và kiến thức kỹ thuật để có thể làm việc trong ngành công nghệ đòi hỏi sáng tạo và công nghệ như điện ảnh”, Mike Gow, tham cứu viên tại Đại học Giao thông Tây An và cũng là thành viên của dự án xây dựng Trường Đào tạo Điện ảnh và Truyền hình Tô Châu, cho biết.

Các chương trình đào tạo chuyên nghiệp

Trên thực tế thì các quốc gia phương Đông đều có những bản sắc làm phim cũng như những cách thức đào tạo riêng trong ngành công nghiệp điện ảnh. Đặc biệt với Trung Quốc thì bản sắc ấy càng mang đậm dấu ấn dân tộc cũng như có một truyền thống điện ảnh lâu đời.

Tuy nhiên, khi mong muốn xây dựng một Hollywood phương Đông, nơi không chỉ sản xuất phim mang về Trung Quốc, mang bản sắc đất nước mà sẽ là nơi các nhà làm phim trên khắp thế giới quy tụ để thực hiện các bộ phim về phương Tây hay về bất kỳ nền văn hóa nào, thì sự thay đổi về cách thức và chương trình đào tạo là điều gần như hiển nhiên.

Với chương trình được xây dựng bởi Đại học Nottingham - Anh, một trong những đối tác xây dựng chương trình đào tạo công nghệ làm phim của chính phủ Trung Quốc, hơn 40% chương trình đào tạo về công nghệ điện ảnh Trung Quốc đã bị xóa bỏ và thay vào đó là những chương trình mang tính thực tiễn và quốc tế hóa cao như kỹ thuật xây dựng kịch bản phim trung tính, công nghệ dựng phim và hậu kỳ, kỹ thuật dàn dựng…

“Rất nhiều khóa đào tạo làm phim tại Trung Quốc đã không còn phù hợp do sự thay đổi về xã hội, công nghệ cũng như xu hướng làm phim chung của toàn cầu. Một số cần phải thay đổi, một số thì phải đưa ra khỏi chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng”, Min Rose, Phó Giám đốc Điều hành chương trình Trao đổi kiến thức của Đại học Nottingham tại châu Á, cho biết.

Ngân sách đầu tư khổng lồ và sở hữu những lợi thế nhất định so với các đối thủ, Trung Quốc đang tiến gần đến với tham vọng xây dựng một Hollywood thứ hai trên thế giới. Thậm chí chính phủ quốc gia này còn mong muốn vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia hàng đầu về điện ảnh, không chỉ về số lượng rạp chiếu phim, số lượng phim sản xuất mà còn về lĩnh vực giáo dục công nghiệp điện ảnh.

Dù là tham vọng có phần thái quá nhưng nếu xét trên những xu hướng sản xuất và phát hành phim như hiện nay, vốn chú trọng các quốc gia châu Á bên cạnh thị trường nội địa, thì rõ ràng viễn cảnh một Hollywood phương Đông tại Thượng Hải là hoàn toàn có căn cứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ