Theo ông Nguyễn Quý Đôn, ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến thì giáo viên chỉ là hợp đồng. Tuy nhiên, do chế độ đãi ngộ và cơ chế ổn định nên đội ngũ giáo viên hợp đồng luôn phát huy tốt năng lực của họ.
Hiện nay, ở nước ta khi bàn đến vấn đề biên chế người ta thường nghĩ rằng là “người của Nhà nước”, tức là được vào biên chế thì công việc ổn định, thu nhập ổn định… Nên việc bỏ biên chế chuyển sang chế độ hợp đồng đối với một số giáo viên họ cảm thấy lo lắng, băn khoăn không biết lương bổng ra sao? Chế độ phụ cấp thế nào? Sự ổn định công việc sau khi chuyển sang chế độ hợp đồng…
Hiện nay, ngành gáo dục cần phải làm rõ nhiều vấn đề để đội ngũ nhà giáo được hiểu chủ trương xoá bỏ biên chế chuyển sang chế độ hợp đồng cụ thể như thế nào. Nếu thực hiện thì chế độ chính sách, quyền lợi cho giáo viên giải quyết theo hướng nào? Lộ trình triển khai ra sao? Giáo viên hiện nay cần phải làm gì để đảm bảo điều kiện… Khi thông suốt được những vấn đề này thì giáo viên sẽ an tâm hơn, tránh tình trạng bất ổn khi nghe thông tin từ nhiều chiều, nhiều nguồn khác nhau.
Theo tôi, điều quan trọng nhất của ngành Giáo dục chúng ta hiện nay là làm sao tuyển dụng được người tài và phát huy được tài năng của đội ngũ. Vì ngành giáo dục đóng vai trò rất quan trọng, mục tiêu là đào tạo con người. Nếu đội ngũ giáo viên tốt sẽ giúp đào tạo học trò tốt.
Dù chế độ biên chế hay hợp đồng, nếu làm tốt được điều này, cộng với chế độ chính sách tốt, cơ chế phù hợp thì tôi tin rằng chúng ta không thiếu những nhà giáo giỏi, tâm huyết. Nếu chuyển sang chế độ hợp đồng mà vẫn đảm bảo thu nhập, có chế độ đãi ngộ hợp lý và người tài được trọng dụng thì rất tốt.
Khi tiến hành xoá bỏ biên chế giáo viên phổ thông và chuyển sang chế độ hợp đồng thì vấn đề tự chủ cho nhà trường sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, người thủ trưởng, cụ thể là hiệu trưởng sẽ có quyền tự chủ về tài chính, nhân sự… Họ cũng chính là người thực thi nhiệm vụ lèo lái con thuyền ở cấp cơ sở. Do đó, hiệu trưởng đóng vai trò rất quan trọng để chính sách này đi vào thực tế một cách thực chất và có hiệu quả.
Để đảm bảo quyền tự chủ này được phát huy, yêu cầu trước hết là cần phải có quy định cụ thể, chế tài rõ ràng về vấn đề tự chủ ở nhà trường. Nếu không khéo sẽ xảy ra tình trạng hiệu trưởng lạm quyền hoặc chỉ tuyển người thân quen hay trục lợi trong tuyển dụng. Làm sao để có sự thống nhất về chủ trương từ trung ương đến địa phương, đến từng trường ở các cấp học. Một mặt giao quyền tự chủ cho nhà trường nhưng cũng có sự giám sát, kiểm tra và chế tài cụ thể, nghiêm khắc.
Nếu thực hiện tốt chế độ hợp đồng giáo viên phổ thông, trước hết sẽ giải quyết được tình trạng ỷ lại của một số nhà giáo trong biên chế, vì trước giờ họ nghĩ rằng vào biên chế là ổn định. Bên cạnh đó cũng kích thích giáo viên trong nhà trường nỗ lực dạy học để đảm bảo chất lượng, duy trì chế độ hợp đồng. Qua đó góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong đội ngũ và phát huy được khả năng giáo viên giỏi. Ai không đáp ứng yêu cầu sẽ phải thay đổi công việc hoặc phải đào tạo lại. Chính sự cạnh tranh và thi đua sẽ góp phần nâng cao chất lượng và từ đó thiết lập được chế độ đãi ngộ công bằng và tương xứng.