Bỏ biên chế giáo viên: Lợi cả... đôi đường

GD&TĐ - Từ thực tế của một trường tự chủ hoàn toàn, không còn chế độ biên chế, tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội - nhận xét: Chủ trương bỏ biên chế công chức, viên chức giáo viên có tác động tích cực không chỉ đối với các thầy, cô giáo mà còn đối với chất lượng giáo dục của nhà trường. 

Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp (đứng): Chủ trương bỏ biên chế giáo viên sẽ có lợi cả đôi đường
Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp (đứng): Chủ trương bỏ biên chế giáo viên sẽ có lợi cả đôi đường

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp.

* Gần đây dư luận đang quan tâm đến về vấn đề bỏ biên chế công chức, viên chức giáo viên. Vậy quan điểm của thầy về chủ trương này như thế nào?

 Đây là một chủ trương lớn, có tác động mạnh không chỉ tới đội ngũ giáo viên mà còn cả hệ thống các cơ sở giáo dục. Để thực hiện thành công chủ trương này, thiết nghĩ cần có những bước thí điểm thận trọng để đánh giá thấu đáo các tác động của chủ trương đến đội ngũ giáo viên và các cơ sở giáo dục trước khi triển khai ở quy mô lớn.
TS Hoàng Xuân Hiệp

- Trước hết, tôi cho rằng đây là một chủ trương tác động rất mạnh tới đội ngũ giáo viên, đặc biệt là các giáo viên tại các cơ sở giáo dục đang hưởng lương ổn định từ ngân sách Nhà nước. Và nếu bỏ biên chế họ sẽ phải ký hợp đồnglao động với những điều khoảnthỏa thuận với Hiệu trưởng.

Với những giáo viên tâm huyết với nghề, có chuyên môn tốt thì chủ trương này không có ảnh hưởng gì nhiều vì bất cứ người hiệu trưởng nào cũng muốn tuyển dụng và giữ được những giáo viên giỏi.

Còn với những giáo viên mà năng lực chuyên môn hạn chế, thiếu tâm huyết với nghề và không có ý chí phấn đấu vì học sinh thì sẽ tác động rất lớn đến họ, buộc họ phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và phải phấn đấu, học tập để nâng cao trình độ của mình nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy trong thời kỳ hội nhập. Như vậy, chủ trương này có lợi cả đôi đường:

Thứ nhất, đội ngũ giáo viên giỏi thì có điều kiện để tiếp tục phát huy, còn giáo viên (tạm gọi là kém) sẽ có động lực để phấn đấu. Mà không phấn đấu thì sẽ bị lạc lõng và tự mình loại mình. Thứ hai, nhà trường sẽ ngày càng phát triển bởi sẽ những nhiều giáo viên giỏi, tâm huyết đến với nhà trường.

* Chủ trương bỏ công chức, viên chức giáo viên nhằm tạo môi trường thi đua lành mạnh trong giáo dục, đồng thời tạo động lực để các giáo viên phấn đấu, tâm huyết hơn với nghề. Vậy từ thực tế là một trường tự chủ hoàn toàn, không còn chế độ biên chế ông thấy ý kiến trên có đúng không?Ý thức phấn đấu của các giảng viên, giáo viên của trường như thế nào?

- Tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, toàn bộ giảng viên đều làm việc theo chế độ hợp đồng theo quy định của Luật Lao động. Thực tế cho thấy đội ngũ giảng viên hết sức ổn địnhvà luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Giảng viên luôn có ý thức học tập, nâng cao trình độ để có thể tham gia giảng dạy các lớp có yêu cầu cao như:  Đào tạo giám đốc nhà máy, đào tạo cán bộ kỹ thuật, đào tạo cán bộ quản lý chất lượng…cho các doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều giảng viên còn có ý thức tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may. Thực tế cho thấy những giảng viên tham gia vào các dự án đối với doanh nghiệp thường có thu nhập gấp 2 -3 lần so với mặt bằng thu nhập chung của trường.

Dưới góc nhìn của một trường đại học tự chủ, tôi nhận thấy việc bỏ chế độ công chức, viên chức với giảng viên có một số tác động sau:Đối với đội ngũ giảng viên: chủ trương này sẽ tạo cho giảng viên ý thức luôn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học được giao. Giảng viên luôn có ý thức cập nhật thường xuyên sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, khoa học quản trị và tình hình thực tiễn tại doanh nghiệp vào nội dung bài giảng.

Bên cạnh đó, chủ trương này còn tạo cho giảng viên luôn có ý thức tự học, tự nâng cao trình độ, sẵn sàng tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, qua đó vừa giúp nâng cao trình độ cho giảng viên, vừa giúp nâng cao thu nhập cho giảng viên.

Đối với Nhà trường và người học: Chủ trương này giúp trường luôn phát triển ổn định và bền vững do quyền lợi của người học luôn được đặt lên hàng đầu. Sở dĩ nói như vậy vì đội ngũ giảng viên có vai trò quyết định chất lượng giáo dục, tức là quyết định lợi ích mà người học được hưởng, vì vậy nếu đội ngũ giảng viên có động lực mạnh mẽ trong việc đổi mới nội dung bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp giáo dục sinh viên… thì chắc chắn sinh viên sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên và đó cũng chính là nền tảng để một cơ sở giáo dục phát triển ổn định và bền vững.

* Nhiều giáo viên băn khoăn và vẫn còn tâm tư về chủ trương này. Vậy ông có lời khuyên nào dành cho họ?

- Trước hết, phải khẳng định rằng, người hiệu trưởng sáng suốt sẽ luôn đặt sự quan tâm, sự ưu tiên hàng đầu đối với đội ngũ giảng viên.Lý do là hiệu trưởng nào cũng muốn ngôi trường do mình phụ trách phát triển ổn định và bền vững. Để làm được điều này thì cần nhiều yếu tố từ xây dựng chiến lược phát triển đúng, tổ chức thực hiện chiến lược tốt…Trong đó có khâu huy động nguồn lực cho phát triển, mà nguồn lực quan trọng nhất trong nhà trường là đội ngũcác thầy, cô giáo.

Một số thầy, cô băn khoăn rằng có thể bị cho thôi việc nếu hai năm không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cho rằng không có người hiệu trưởng nào lại suy nghĩ và hành động đơn giản như vậy. Việc hoàn thành nhiệm vụ không chỉ là trách nhiệm của các thầy, cô giáo mà còn có trách nhiệm rất lớn của nhà trường, đứng đầu là hiệu trưởng.

Khi giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ thì cần xác định rõ nguyên nhân dẫn đến việc này.Nếu nguyên nhân xuất phát từ những yếu tố như: Thiếu về cơ sở vật chất, cơ chế quản lý thiếu linh hoạt, chế độ đối với giáo viên không thỏa đáng…thì không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho các thầy.

Thậm chí nếu nguyên nhân đến từ việc thầy, cô giáo (có thể do thiếu ý thức hoặc năng lực chưa đạt yêu cầu) nhưng nhà trường không có giải pháp kịp thời để phê bình, chấn chỉnh, giúp đỡtrong quá trình giảng dạy hoặc không tạo điều kiện cho họ được đi học tập nâng cao trình độ thì cũng không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho giáo viên được.

Tuy nhiên, nếu giáo viên đã được giúp đỡ, quan tâm nhưng về ý thức hoặc chuyên môn không đáp ứng được với yêu cầu đặt ra thì việc không cho phép họgiảng dạy là phù hợp, tránh đểảnh hưởng đến quyền lợi của người học.

Một số người cũng lo lắng rằng khi sử dụng chế độ hợp đồng thì hiệu trưởng có thể lạm quyền. Lo lắng này là không có cơ sở vì thứ nhất là hiệu trưởng phải tuân thủ Luật Lao động trong quá trình vận hành nhà trườngtrong các trường công lập. Ngoài hiệu trưởng còn có tổ chức đảng, hội đồng trường và đặc biệt là tổ chức công đoàn, luôn bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Mặt khác, một nhà trường hoạt động bao giờ cũng phải xây dựng các quy chế vận hành hết sức minh bạch trong đó có các quy chế về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật…. Hiệu trưởng khi điều hành nhà trường bắt buộc phải tuân thủ những quy định này, vì vậy nếu nói hiệu trưởng dễ ràng lạm quyền là chưa thỏa đáng.

Cuối cùng, cần khẳng định rằng khi bỏ chế độ biên chế công chức, viên chức thì hiệu trưởng cũng lo lắng và tâm tư không kém gì đội ngũ giảng viên vì nếu không tạo được chế độ chính sách tốt thì không thể giữ chân được người giỏi. Chính vì vậy, việc xây dựng tinh thần đoàn kết, xây dựng văn hóa nhà trường sao cho các nhà giáo luôn thấy mình được tôn trọng, được tạo điều kiện về mọi mặt trong công tác là một trong những ưu tiên hàng đầu của người hiệu trưởng.

Xin cảm ơn tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ