Quan tâm đến chính sách sử dụng và cơ chế đãi ngộ giảng viên bậc cao

GD&TĐ - Chuyên gia chia sẻ về những thách thức, giải pháp sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên bậc cao trong bối cảnh tự chủ đại học ở Việt Nam.

Giờ học tại Trường Đại học Khánh Hòa. Ảnh: NVCC
Giờ học tại Trường Đại học Khánh Hòa. Ảnh: NVCC

PGS.TSKH Phạm Đức Chính – nguyên Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ về những thách thức, giải pháp sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên bậc cao trong bối cảnh tự chủ đại học ở Việt Nam.

Còn trăn trở

- Ông nhận định thế nào về thực trạng sử dụng đội ngũ giảng viên đại học Việt Nam hiện nay?

Lợi ích xã hội nhận được từ phía đội ngũ nhà giáo có trình độ cao đem lại không phải là trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, mà gián tiếp thông qua kết quả đào tạo các thế hệ sinh viên bậc cao đóng góp vào tăng năng suất lao động và phát triển kinh tế - xã hội vượt trội sau khi ra trường, nghĩa là có hiệu ứng đô-minô.

- Tôi cho rằng, cơ chế sử dụng và quản lý giảng viên đại học có học hàm, học vị cao hiện hành chưa thu hút được người tâm huyết với nghề dạy học.

Điều khác biệt cơ bản sử dụng con người trong khu vực giáo dục công lập ở Việt Nam là, giảng viên đại học (ĐH) được quản lý theo Luật Viên chức (2010), làm việc đến 62 tuổi (đối với nam), 60 tuổi (đối với nữ).

Bất cập ở chỗ, để có được đội ngũ giảng viên đủ chuẩn trong giáo dục ĐH là cả quá trình từ tuyển dụng đến đào tạo, xây dựng và phát triển công phu và tốn kém. Quá trình này hàm chứa nhiều rủi ro, bởi không phải cứ làm nghiên cứu sinh là trở thành tiến sĩ, không phải mọi tiến sĩ đều trở thành GS, PGS. Do vậy, không thể ngày một ngày hai, 5 năm hay 10 năm mà trường ĐH có ngay đội ngũ giáo sư đông đảo về số lượng và chuyên sâu về chất lượng.

Có ý kiến cho rằng, GS, PGS có nhiều lựa chọn, không làm việc ở khu vực công thì chuyển sang tư vẫn có thể cống hiến, nguồn lực của xã hội được khai thác và sử dụng. Nhìn nhận và đánh giá vấn đề như vậy chưa thấu đáo, chỉ quan tâm đến phần ngọn vấn đề, không giải quyết gốc rễ việc sử dụng đội ngũ chuyên gia đầu ngành của đất nước.

Cơ chế sử dụng GS, PGS theo Luật Viên chức trong khu vực công đã giới hạn nhiều đến việc khai thác hiệu quả nguồn lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đào tạo trình độ sau ĐH trong các cơ sở giáo dục công lập. Không ít trường công lập tốp đầu, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển lâu đời rơi vào tình trạng thiếu hụt đội ngũ đào tạo sau ĐH và người hướng dẫn luận văn, luận án, dẫn dắt làm nghiên cứu.

Khu vực tư nhân thì có lực lượng PGS, GS phong phú (di chuyển từ công sang tư), nhưng chỉ tập trung thu hút ở những ngành, nghề mà thị trường có nhu cầu cao, như: Kinh doanh, Tài chính, Marketing, Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin hay Luật học… Điều này dẫn tới, các GS, PGS đầu ngành có chuyên môn sâu trong lĩnh vực khoa học cơ bản như: Triết học, Văn học, Toán học, Vật lý học, Hoá học… nếu thị trường không có nhu cầu sẽ không được sử dụng khi nhiệt huyết cống hiến vừa bước vào thời kỳ đỉnh cao.

PGS.TSKH Phạm Đức Chính. Ảnh: NVCC

PGS.TSKH Phạm Đức Chính. Ảnh: NVCC

Những hệ lụy

- Những tồn tại ông nói đến ở trên có thể dẫn đến hậu quả nào?

- Tất cả điều này dẫn tới nghịch lý: Thứ nhất, lãng phí trong khai thác nguồn lực, đội ngũ nhà giáo, nhà nghiên cứu có trình độ cao, chuyên sâu được đầu tư đào tạo công phu, tốn kém.

Thứ hai, các cơ sở đào tạo, dù có thâm niên và uy tín được xếp hạng cao trong ngành Giáo dục vẫn thiếu hụt và khó xây dựng được đội ngũ chuyên gia đầu ngành ổn định phục vụ đào tạo bậc cao và nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Theo chế độ hiện hành, GS, PGS được làm việc thêm 5 năm, đến tuổi nghỉ hưu vẫn không đủ để hấp dẫn các nhà khoa học yên tâm đầu tư vào ý tưởng, dự án hướng tới mục tiêu đào tạo bậc cao và nghiên cứu khoa học chuyên sâu.

Thứ ba, hình thành một cấu trúc đào tạo bậc cao trong hệ thống giáo dục quốc dân và nghiên cứu khoa học mũi nhọn bị mất cân đối. Để có được đội ngũ GS, PGS các chuyên ngành khoa học cơ bản như: Triết học, Toán học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Lịch sử… và ngành mũi nhọn chuyên sâu trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, không chỉ cần thời gian lâu dài mà còn là kết quả đào tạo của cả hệ thống giáo dục quốc dân, nên phải coi là tài sản không chỉ quý mà còn hiếm. Chỉ có sự đầu tư của Nhà nước thông qua tài trợ tài chính, xây dựng chiến lược đầu tư quy mô quốc gia, bài bản, dài hạn thì mới có đội ngũ như vậy.

Tất nhiên, đội ngũ này chỉ có cơ hội được làm việc, phát huy tài năng, khẳng định bản thân trong khu vực công lập. Nếu không được làm việc trong khu vực công thì họ nghỉ hưu theo đúng nghĩa. Những dự án, ý tưởng nghiên cứu chuyên sâu, đào tạo bậc cao sẽ dừng lại bởi khu vực tư nhân không cần đến họ. Các trường ĐH tư nhân chỉ đào tạo ngành nghề mà thị trường có nhu cầu, thu hút nhiều người học.

Nếu nhà giáo có trình độ cao trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, mũi nhọn không được làm việc khi năng lực cống hiến đang ở giai đoạn đỉnh cao rất lãng phí. Nguồn lực đã hiếm lại càng khan hiếm hơn. Tức là, sẽ có sự mất cân đối trong sử dụng đội ngũ nhà giáo giữa các lĩnh vực ngành nghề có ý nghĩa chiến lược quốc gia với ngành nghề theo nhu cầu thị trường. Khi đó sẽ không có đào tạo bậc cao hợp lý theo cấu trúc ngành nghề khoa học, không có sự phát triển của các ngành mũi nhọn, công nghệ đặc thù, nền tảng ở quy mô quốc gia theo định hướng chiến lược.

Thứ tư, khoảng cách giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học sẽ ngày càng rộng ra và khắc sâu. Thực tế cho thấy, người có thành tích công bố nghiên cứu khoa học trong trường ĐH tập trung vào nhóm nghiên cứu của các GS, PGS. Việc giới hạn độ tuổi cống hiến chắc chắn giới hạn thành tích hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhóm này; giới hạn thành tích công bố, xuất bản ấn phẩm khoa học, công nghệ của các cơ sở giáo dục ĐH, sau ĐH.

Thêm nữa, các trường ĐH định hướng nghiên cứu, nếu có ít GS, PGS hoặc không có lực lượng giảng viên này sẽ ảnh hưởng đến việc mở ngành mới, khó hợp tác quốc tế, không thành lập được nhóm nghiên cứu chuyên sâu, không thu hút được học viên cao học và nghiên cứu sinh tài năng.

Nghị định số 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, tối đa không quá 5 năm, tính từ thời điểm nghỉ hưu (quy định theo Nghị định 141/2013 về thời gian kéo dài công tác tối đa không quá 7 năm đối với PGS, 10 năm đối với GS). Việc giảm thời gian kéo dài công tác sau khi đến tuổi nghỉ hưu với viên chức là GS, PGS sẽ khiến tỷ lệ này vốn đã thấp tiếp tục thấp.

Giờ rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NTCC

Giờ rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NTCC

Cần chính sách sử dụng, đãi ngộ phù hợp

- Vậy cần những giải pháp nào để thu hút, duy trì đội ngũ chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục ĐH, thưa PGS?

- Nhà nước rất quan tâm đến hai vấn đề lớn liên quan đến chính sách sử dụng và cơ chế tài chính đãi ngộ nhằm thu hút và duy trì đội ngũ nhà giáo ĐH có chức danh nghề nghiệp bậc cao là GS, PGS để phát triển hệ thống ĐH ngang tầm thế giới và khu vực. PGS, GS được xếp ngạch giảng viên cao cấp, ngang với ngành nghề khác trong nền hành chính quốc gia là những thành tựu vượt trội của Đảng, Chính phủ.

Tuy nhiên, giải quyết hai vấn đề này đều bị ràng buộc bởi nội dung cốt lõi là, quy định của pháp luật, giảng viên ĐH công lập là viên chức Nhà nước, chịu sự điều tiết của Luật Viên chức. Nhà giáo bắt buộc phải về hưu theo luật định. Sự bó buộc trong khuôn khổ Luật Viên chức sẽ dẫn tới lãng phí nguồn lực có ý nghĩa quốc gia rất hiếm và quý. Do vậy, cải cách hệ thống giáo dục ĐH phải bắt đầu từ chính hệ thống pháp luật hiện hành. Chỉ có Nhà nước mới quyết định được sự lựa chọn này.

Nhà nước có thể lựa chọn phát triển hệ thống giáo dục ĐH theo hai hướng: Hoặc để thị trường quyết định chính sách sử dụng đội ngũ nhà giáo có chức danh nghề nghiệp bậc cao, hoặc kết hợp cả hai để có thể tối ưu hoá việc sử dụng này.

Nếu theo hướng để thị trường tự do quyết định, khi ấy sẽ tách rời chức danh giảng viên ĐH và viên chức Nhà nước. Giảng viên sẽ không xếp vào ngạch viên chức, mà chỉ quản lý theo Luật Giáo dục ĐH, Luật Lao động để cởi trói cho cơ chế sử dụng đội ngũ GS, PGS theo nhu cầu của các cơ sở giáo dục ĐH.

Trên nền tảng đó, GS, PGS có thể được sử dụng suốt đời như ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đây là cơ hội để giáo dục Việt Nam tương thích cấu trúc phát triển linh hoạt, phù hợp nhu cầu thực tiễn của thị trường, ngành Giáo dục, mỗi cơ sở đào tạo hoạt động theo quan hệ thị trường.

Khi ấy, các trường ĐH công lập phải chấp nhận cơ chế cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong sử dụng đội ngũ nhà giáo có trình độ cao, đặc biệt những trường theo hướng khoa học cơ bản, công nghệ mũi nhọn. Nhà nước chỉ tài trợ cho trường đại học đặc thù, ngành khoa học mũi nhọn, phục vụ mục tiêu chiến lược quốc gia.

Trường hợp Nhà nước tham gia linh hoạt vào thị trường, chấp nhận sự điều tiết có định hướng và tự do của thị trường. Theo hướng này, tất cả công chức, viên chức hành chính, nhà giáo ĐH làm việc theo Luật Lao động (đến 62 và 60 tuổi). Nhà nước sẽ quản lý, điều tiết, khai thác, sử dụng nhà giáo ĐH một cách công bằng như những viên chức, công chức trong hệ thống hành chính công vụ khi họ đang trong độ tuổi lao động. Như vậy, tất cả công chức, viên chức nhà giáo đều bình đẳng như nhau, hưởng chế độ đãi ngộ, theo thang bảng lương thống nhất, và đặc biệt về hưu cùng độ tuổi.

Đây chính là công bằng trong sử dụng lao động của khu vực công. Khi ấy, khác biệt của những nhà giáo công lập sau về hưu (sau 62 và 60 tuổi) là họ được tham gia vào thị trường lao động tự do, không bị ràng buộc bởi Luật Viên chức. Đồng thời, những công chức, viên chức có học hàm, học vị cao sau về hưu cũng được tham gia vào thị trường bình đẳng như các nhà giáo ĐH đang công tác trong ngành giáo dục ĐH.

Lợi thế của chính sách này đối với các ĐH công lập là có thời gian dài nhà trường và các GS, PGS cùng hợp tác trong môi trường viên chức. Khi đó, cơ sở ĐH hiểu rõ nhu cầu đào tạo, đội ngũ chuyên ngành của mình, còn nhà giáo thì gắn bó với trường lâu dài, hiểu rõ nhu cầu của nhau sẽ dễ dàng ký kết các hợp đồng, thoả thuận theo cơ chế thị trường.

Trường ĐH công lập và tư thục sẽ tự do cạnh tranh thu hút đội ngũ nhà giáo sau về hưu. Khi ấy, trường ĐH công lập không còn lo mất đội ngũ chuyên ngành nếu nhà trường chủ động cạnh tranh thu hút và sử dụng đội ngũ nhà giáo.

Ngược lại, nhà giáo sẽ có cơ hội hợp tác với trường một cách toàn tâm toàn ý, Nhà nước cũng yên tâm không lo sợ lãng phí đội ngũ nhà giáo bậc cao. Đặc biệt các trường ĐH công lập được tự chủ, cởi trói để tự chủ sâu hơn, đúng nghĩa trong chính sách sử dụng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên sâu.

Quan điểm sử dụng nhà giáo có chức danh GS, PGS nên được quán triệt dựa trên triết lý giáo dục, học suốt đời thì cống hiến cũng suốt đời nếu họ còn cơ hội, đủ sức khoẻ vươn tới đỉnh cao trong nghề nghiệp. Học, nghiên cứu suốt đời cũng chính là cống hiến suốt đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ