Quan tâm cơ sở vật chất để tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Hiện nay, còn nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không đủ điều kiện, cơ sở vật chất để tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, do công việc, phụ huynh phải gửi con đến các tổ chức bán trú ngoài trường công lập, song hình thức này chưa được Nhà nước ban hành các quy định để quản lý. Đề nghị Bộ GD&ĐT đầu tư thêm cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, nhất là những nơi chưa có điều kiện tổ chức bán trú cho học sinh.

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc bảo đảm cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, trước hết là trách nhiệm của các địa phương. Bộ GD&ĐT chỉ tham mưu Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ các địa phương khó khăn kiên cố hóa trường lớp học, ưu tiên xây dựng các phòng phục vụ học tập.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 phê duyệt Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025”. 

Theo Quyết định này, với giáo dục tiểu học, mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học đặt ra là: Đầu tư xây dựng 5.900 phòng học tiểu học thay thế các phòng học tạm thời (bao gồm: Phòng học tranh tre, nứa lá, đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ); xây dựng bổ sung 6.000 phòng học, 7.770 phòng chức năng (giáo dục thể chất, nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập); 3.420 phòng thư viện...

Quyết định số 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phân công trách nhiệm UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện đầu tư xây dựng phòng học để bảo đảm 1 lớp/phòng, các phòng chức năng và thư viện; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2 để bảo đảm học 2 buổi/ngày theo đúng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. 

Giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở định hướng các nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyêt danh mục đầu tư và cơ chế huy động vốn cho phù hợp.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất và phân bổ, bố trí kinh phí cho địa phương đặc biệt khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.