Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, tính đến 22 giờ ngày 23/5, có 67,7 triệu cử tri trên cả nước đã tham gia bỏ phiếu, đạt khoảng 98,43%. Cho đến thời điểm kết thúc bầu cử, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương được bảo đảm, không có vấn đề bất thường xảy ra.
Cho tới thời điểm này, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc kiểm phiếu. Điều này cũng có nghĩa Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã cơ bản “thành hình” với những “gương mặt” cụ thể.
Những ứng viên trúng cử là người đã được cử tri “tạm ứng niềm tin” và khi trở thành người đại biểu của nhân dân, họ phải có trách nhiệm trả món nợ đó bằng cách nỗ lực xử lý các thách thức của quốc gia và địa phương với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Người đại biểu nhân dân có 3 nhiệm vụ chính. Đại biểu Quốc hội sẽ tham gia xây dựng chính sách pháp luật, quyết định các vấn đề lớn của quốc gia và giám sát việc thực thi chính sách; còn công việc của đại biểu HĐND liên quan đến các quyết sách, vấn đề ở cấp địa phương.
Quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước là cần thiết, bởi nước có giàu thì dân mới mạnh. Lâu nay, hầu hết các quan tâm dù ở tầm quốc gia hay địa phương đi chăng nữa cũng đều đổ dồn vào tăng trưởng kinh tế. Điều này là hợp lý nhưng trong giai đoạn tới, những câu chuyện sát sườn của người dân cần được giải quyết dứt điểm và nhanh hơn.
Sau giai đoạn tăng trưởng kinh tế ấn tượng, mức sống của người dân được cải thiện nhanh chóng nhưng ngược lại môi trường sống đang có xu thế xấu đi cả ở thành thị lẫn nông thôn.
Cử tri là những người dân bình thường, vì thế, trước khi biết đến thành tựu tăng trưởng GDP hay thu hút đầu tư, họ quan tâm hơn đến chuyện tắc đường, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, ngập nước… Việt Nam không thể cưỡng lại xu thế đô thị hóa, người dân sẽ tiếp tục đổ về đô thị và những vấn đề động chạm đến cuộc sống hàng ngày như vậy sẽ càng bức xúc hơn.
Đại biểu có ghi được điểm với người dân, có trả được món nợ “niềm tin” mà cử tri đã “tạm ứng” cho mình thông qua lá phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua hay không phụ thuộc vào năng lực giám sát, năng lực thúc đẩy chính quyền địa phương xử lý vấn đề dân sinh như vậy.
Thách thức rất lớn nhưng may mắn là thời của Facebook, Zalo và điện thoại thông minh đã trang bị cho đại biểu những kênh giao tiếp hiệu quả để giữ mối liên hệ với cử tri của mình.
Đại biểu hoàn toàn có thể kết nối hàng ngày với cử tri để lắng nghe những vấn đề cử tri đề đạt và đồng hành cùng cử tri và chính quyền địa phương để thúc đẩy, giám sát xử lý những vấn đề đó.