Quản lý và phát huy giá trị di tích: Cần sự đồng bộ

Quản lý và phát huy giá trị di tích: Cần sự đồng bộ

(GD&TĐ) - Di tích được coi như những trang sử sống mang dấu ấn về sự biến động, thăng trầm của nhiều thời kỳ lịch sử quốc gia, dân tộc… Việc quản lý, bảo vệ và phát huy có hiệu quả giá trị di tích trong xã hội đương đại sẽ góp phần không nhỏ và trực tiếp vào công tác giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

image002.jpg
Bảo tồn di sản cần cả tri thức và ý thức   Ảnh: Văn Lê

Nhiều hạn chế trong quản lý

Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL tại hội thảo trực tuyến “Nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát huy giá trị di tích”, vừa diễn ra tại 3 điểm cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng: Trong tổng số khoảng 40.000 di tích đã được kiểm kê, hiện có 7 di tích được UNESCO vinh danh (gồm 5 Di sản Văn hóa thế giới và 2 Di sản Thiên nhiên thế giới), 34 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.168 được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 7.484 di tích cấp tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, công tác quản lý và phát huy giá trị các di tích  đến nay vẫn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Cụ thể, việc chấp hành phát luật về di sản văn hóa ở một số địa phương chưa nghiêm, dẫn đến một số vụ việc vi phạm như trường hợp chùa Trăm Gian (Hà Nội) và đình Ngu Nhuế (Hưng Yên) năm 2012. Một số nơi vẫn còn tình trạng vi phạm Luật Di sản văn hóa, việc cắm mốc giới, xây dựng mô hình quản lý di tích chưa có sự thống nhất; người quản lý di tích và các cấp chính quyền ở một số nơi chưa tìm được tiếng nói chung. Bộ máy quản lý di tích chưa được củng cố, kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác lập quy hoạch đầu tư, tu bổ di tích, lập kế hoạch khảo cổ, cắm mốc giới di tích ở hầu hết địa phương triển khai chậm. Việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, triệt để...

Nguyên nhân cơ bản để dẫn đến tình trạng này là việc ban hành các văn bản luật và dưới luật về di tích chưa sát thực, cần được bổ sung, hoàn thiện. Ý thức chấp hành pháp luật kém, lại thêm tư tưởng muốn di tích to hơn, khang trang hơn nên một số nơi đã không tuân thủ nghiêm ngặt yếu tố gốc của di tích khi thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo. Đáng nói hơn, bộ máy quản lý di tích còn chồng chéo về chức năng, chưa rõ ràng trong phân cấp nên khi sai phạm xảy ra rất khó quy trách nhiệm...

Việc tìm ra biện pháp quản lý tốt các di tích, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển là những vấn đề được các nhà quản lý văn hóa, nhà văn hóa hết sức quan tâm trong thời gian tới.

Tu bổ di tích cần có sự tham gia của nhân dân Ảnh: Văn Lê
Tu bổ di tích cần có sự tham gia của nhân dân                Ảnh: Văn Lê

Bảo tồn, phát triển di tích cách nào?

GS Ngô Đức Thịnh, Nguyên viện trưởng Viện Bảo tồn văn hóa dân gian, cho rằng: Cái chúng ta thiếu hụt là cả tri thức và ý thức bảo tồn di sản. Giữa bảo tồn và phát triển chưa bao giờ mâu thuẫn với nhau mà điều quan trọng là nhiều địa phương chưa biết cách giải quyết nó như thế nào. Theo GS Thịnh, có 2 việc quan trọng nhất là lo cho đời sống của người dân trong vùng di tích và phân chia nguồn lợi từ du lịch di sản. Làm sao để đồng tiền thu được từ di tích được quay trở lại trùng tu, bảo tồn di tích thì hầu như không ai quan tâm. Trong khi quản lý ngày càng phải chuyên nghiệp thì việc quản lý và bảo vệ di tích ngày càng phải gắn chặt với tâm thức và trách nhiệm của người dân hơn. Di tích, di sản sống ở trong cộng đồng và chính đây là môi trường tốt nhất để bảo vệ và phát huy nó.

GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, khẳng định, di sản có giá trị lớn nhưng rất mong manh, dễ bị xâm hại. Xu hướng của thế giới là nâng tính chuyên nghiệp của bảo tồn di sản. Ví dụ như Cục Văn vật của Trung Quốc không thuộc bộ mà trực thuộc nhà nước, tầm cao hơn một bậc. Tại nhiều nước trên thế giới thì một số di tích lớn của họ đều thuộc sự quản lý trực tiếp từ trung ương. GS Lưu Trần Tiêu đề xuất, nên chăng chúng ta nghiên cứu, đề nghị đưa thẩm quyền của Cục Di sản cao hơn nữa. Nâng cấp từ cục thành tổng cục với cơ quan đại diện ở cả 3 miền để công tác chuyên môn được thực thi nghiêm túc hơn. Muốn làm tốt công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa không thể thiếu công tác thanh, kiểm tra thường xuyên. Những nhà quản lý cần thành lập những ban, ngành để thường xuyên thanh tra các điểm di tích từ cấp xã, huyện trở lên. Công tác kiểm tra, thanh tra cần được tiến hành nghiêm ngặt từ những khâu đầu tiên của việc tu bổ, sau đó là theo sát công tác thiết kế và thi công tu bổ di tích”. Riêng lượng thanh tra di tích phải tiền kiểm chứ không phải hậu kiểm như các lĩnh vực khác, vì với các di tích, toàn bộ các trường hợp đã xảy ra vi phạm rồi thì rất khó xử lý, làm sao để lấy lại những gì đã bị phá hỏng được nữa...

Ông Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia lưu ý:  trong công tác tu bổ di tích, cần có sự tham gia của nhân dân, tuy nhiên không thể để cho dân tu bổ tùy thích, vì vậy, khi tu bổ di tích, các cấp quản lý cần theo dõi sát sao tiến độ công trình”.

Hiện nay, mỗi địa phương lại tồn tại một kiểu quản lý di tích riêng. Ví như ở Hà Tĩnh, tồn tại rất nhiều mô hình quản lý di tích, có nơi Ban quản lý di tích  trực thuộc Sở VHTT&DL, có nơi nằm trong UBND huyện, thị xã, nơi do UBND xã quản lý, nơi lại giao cho cá nhân, gia đình. Mô hình giao khoán di tích cho cá nhân, gia đình quản lý từng phù hợp với thời di tích chưa nổi tiếng nhưng hiện nay những di tích được quản lý theo mô hình này đang là điểm nóng ở Hà Tĩnh. Số tiền thu được từ hoạt động tại di tích được nộp vào ngân sách xã, xã dùng số tiền đó đầu tư cho các công trình khác chứ không tái đầu tư cho di tích.

Còn tại Hà Nội,  Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến cho hay: Di tích ở Hà Nội đa dạng về chủng loại, phong phú về loại hình, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phân cấp quản lý đối với di tích giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Sở quản lý 10 di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội quản lý Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long và di tích Cổ Loa, số còn lại do các quận, huyện, thị xã quản lý. Các ban quản lý di tích hoạt động tương đối độc lập, ít có liên hệ chuyên môn, ít báo cáo.

Tại Bạc Liêu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phạm Văn Tắc cho biết, bảo tàng được giao nhiệm vụ quản lý bảo tàng và quản lý di tích. Nhưng bảo tàng chỉ quản lý di tích quốc gia, còn di tích cấp tỉnh hoặc di tích chưa xếp hạng giao cho ban trụ trì di tích. Quản lý kiêm nhiệm nên hiệu quả công tác chưa được như mong muốn.

Từ thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng nên xây dựng mô hình quản lý di tích chung. Cụ thể, đối với di tích đặc biệt thì ban quản lý di tích trực thuộc tỉnh, thành phố; di tích quốc gia gắn với sự kiện quan trọng thì ban quản lý di tích thuộc Sở VHTT&DL; di tích quốc gia gắn với du lịch thì ban quản lý thuộc huyện, thị xã; còn các di tích cấp tỉnh, thành phố thì thành lập ban QLDT cấp xã. Các nhà khoa học cũng cho đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nên học hỏi mô hình quản lý của UNESCO bởi mô hình này đã được xây dựng trên cơ sở khảo sát ở hàng trăm quốc gia.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, năm 2013 sẽ vẫn giữ nguyên mô hình quản lý di tích ở các địa phương nhưng phải đánh giá để bổ sung, hoàn thiện. Những mô hình quản lý hiệu quả sẽ được nghiên cứu để nhân rộng. Bộ VHTT& DL sẽ ban hành Thông tư liên tịch quy định mức chi phí lập quy hoạch, dự án tu bổ, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật thi công tu bổ di tích... Từ nay đến tháng 11/2013 phải hoàn tất rà soát để hoàn chỉnh hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, dự kiến hoàn thành việc kiểm kê di tích vào năm 2015 và đến 2014 sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ.


THÁI THANH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ