Quản lý thời gian: Trân trọng từng phút giây

GD&TĐ - Không ít sinh viên sử dụng quỹ thời gian này cho các hoạt động bổ ích, lành mạnh để phát triển bản thân...

Tống Thanh Thảo trong đội hình Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Bệnh viện Thủ Đức (TPHCM) tham gia khám chữa bệnh cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi tại Yên Bái. Ảnh: NTTU
Tống Thanh Thảo trong đội hình Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Bệnh viện Thủ Đức (TPHCM) tham gia khám chữa bệnh cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi tại Yên Bái. Ảnh: NTTU

Bên cạnh những sinh viên dùng thời gian rỗi cho việc làm chưa phù hợp thì không ít bạn sử dụng quỹ thời gian này cho các hoạt động bổ ích, lành mạnh để phát triển bản thân như học thêm kỹ năng mềm, tham gia câu lạc bộ, công tác đoàn - hội, luyện tập thể thao…

TS Huỳnh Trung Phong - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp, Trường Đại học Sư phạm TPHCM: 60% thời gian trong ngày dành cho việc học

“Các trường đại học nên tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động của CLB để sinh viên được tham gia nhiều hơn. Nếu không tổ chức hoặc nội dung nhàm chám thì vấn đề “lười biếng” của sinh viên là hiển nhiên. Thời gian này, các em có nhiều thứ để đọc, xem và chơi trực tuyến. Vậy nên tổ chức các sự kiện thường xuyên sẽ “kéo” sinh viên ra khỏi màn hình, tham gia hoạt động, qua đó năng động, khỏe mạnh hơn”, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM chia sẻ.

Theo kết quả của một số nghiên cứu tại các trường đại học, có thể thấy hiện nay khoảng 50% số sinh viên được khảo sát cho biết không lập kế hoạch sử dụng thời gian trong một ngày làm việc; gần 30% người được hỏi lập kế hoạch và thực hiện theo đúng kế hoạch sử dụng thời gian trong ngày mà mình đã đề ra, hơn 20% còn lại mặc dù có lập kế hoạch sử dụng thời gian nhưng lại chưa thực hiện theo.

Để sử dụng hiệu quả thời gian, sinh viên cần tập trung vào các phần việc chính trong một ngày bao gồm học tập, công việc làm thêm, rèn luyện các kỹ năng mềm để phát triển bản thân và thư giãn, giải trí.

Với thực trạng hiện nay, do tác động của chương trình học theo tín chỉ, dẫn đến một số lượng không nhỏ sinh viên có phần buông lỏng, ít đầu tư thời gian cho việc học trên lớp mà chuyển trọng tâm về phần tự học, tự nghiên cứu. Thời gian rảnh rỗi, các bạn thường dùng vào việc giải trí như nghe nhạc, xem phim, lướt mạng xã hội… mà chưa thật sự đầu tư cho việc phát triển bản thân.

tran-trong-tung-phut-giay-3.jpg
TS Huỳnh Trung Phong.

Để có được một kế hoạch sử dụng thời gian hiệu quả, tôi nghĩ các bạn nên phân chia thời gian trong ngày của mình vào 4 công việc chính như sau: Thứ nhất là việc học bao gồm học trên lớp, tự học, tự nghiên cứu và rèn luyện các phẩm chất, năng lực theo chương trình đào tạo (chiếm khoảng 60% tổng thời gian trong một ngày).

Chúng ta dành 20% cho việc làm thêm để vừa có thể gia tăng thu nhập vừa có thể rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Các bạn nên dùng 10% cho việc giải trí và thư giãn sau những giờ học tập và lao động căng thẳng.

Cuối cùng, với 10% còn lại, các bạn dùng để rèn luyện kỹ năng mềm, tham gia các câu lạc bộ, đội, nhóm để phát triển bản thân. Tùy vào mục tiêu và những công việc cần phải hoàn thành trước trong từng giai đoạn, các bạn có thể xác định công việc nào là ưu tiên và thực hiện theo trình tự phù hợp.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM: Nhà trường không thể đứng ngoài cuộc

Học đại học không chỉ là giai đoạn tích lũy tri thức, mà còn là cơ hội để phát triển về kỹ năng, nhân cách và kinh nghiệm sống. Việc sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách hiệu quả không phải ai cũng có thể làm được.

Do đó, đầu tiên sinh viên nên bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu cá nhân, như phát triển kỹ năng mềm, học ngoại ngữ, hoặc trau dồi kinh nghiệm làm việc, lập kế hoạch hằng tuần hoặc hằng tháng để phân bổ thời gian hợp lý giữa học tập, giải trí và các hoạt động ngoại khóa. Việc áp dụng phương pháp quản lý thời gian như ma trận Eisenhower (xác định và ưu tiên công việc một cách hiệu quả) hoặc kỹ thuật Pomodoro (tập trung làm việc trong khoảng thời gian ngắn và tối ưu hóa) sẽ đem lại hiệu quả hơn.

tran-trong-tung-phut-giay-4.jpg
ThS Phạm Thái Sơn.

Các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian... là nền tảng quan trọng khi bước vào môi trường làm việc. Sinh viên có thể tham gia các buổi thảo luận, khóa học hoặc câu lạc bộ để rèn luyện những kỹ năng này. Đặc biệt, các em cần trau dồi hai yếu tố thật sự cần thiết để cạnh tranh trong thị trường lao động hiện nay, đó là thành thạo ngoại ngữ và kỹ năng tin học.

Hai thứ này không chỉ giúp mở rộng cơ hội việc làm, mà còn hỗ trợ học tập và nghiên cứu quốc tế. Sử dụng các công cụ văn phòng và phần mềm chuyên ngành cũng là yêu cầu bắt buộc. Biết cách sử dụng AI như ChatGPT, Gemini... vào công việc của mình thì sẽ thấy những phần mềm đó cực kỳ hữu ích.

Ở Trường Đại học Công Thương TPHCM, sinh viên được tham gia nhiều hoạt động. Mỗi năm 2 lần, trường tổ chức “Ngày hội việc làm cho sinh viên”, tạo cơ hội để người học kết nối với doanh nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc thực tập. Trường cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo kỹ năng và hướng nghiệp, giúp sinh viên định hướng tương lai rõ ràng hơn.

Ngoài ra, hoạt động thể thao và văn nghệ được tổ chức thường xuyên. Các giải bóng đá, chương trình âm nhạc thường niên không chỉ để giải trí mà còn tạo môi trường giao lưu và học hỏi. Các câu lạc bộ như HUIT Dance, HUIT Ghita... tháng nào cũng tổ chức các sự kiện văn nghệ. Còn các câu lạc bộ về thể thao như bóng đá, võ thuật, Kendo... thường xuyên tổ chức buổi biểu diễn, tạo điều kiện cho sinh viên tham dự và nâng cao thể lực.

Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của trường cũng tổ chức thường xuyên các buổi offline, hội thảo, cho các sinh viên làm việc với các doanh nghiệp để trình bày các đề tài. Nhiều đề tài ứng dụng đoạt giải cao trong các cuộc thi đổi mới sáng tạo của TPHCM và Bộ GD&ĐT.

ThS Nguyễn Hoàng Ngọc Châu - Phó Bí thư Đoàn trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Xác định mục tiêu cho từng giai đoạn

tran-trong-tung-phut-giay-5.jpg
ThS Nguyễn Hoàng Ngọc Châu.

Sinh viên có thể tận dụng thời gian rỗi để tham gia vào nhiều hoạt động hữu ích khác nhau nhằm phát triển bản thân, nâng cao kỹ năng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo tôi, đầu tiên sinh viên nên học thêm kiến thức để phục vụ ngành học hoặc sở thích bản thân. Các bạn có thể tham khảo khóa học online.

Trên các nền tảng trực tuyến hiện nay có nhiều khóa học bổ ích về các lĩnh vực khác nhau, từ kỹ năng mềm, ngôn ngữ, đến kiến thức chuyên ngành. Thời gian rỗi là cơ hội tuyệt vời để học thêm ngoại ngữ. Sinh viên có thể sử dụng các ứng dụng học ngoại ngữ như Duolingo, Memrise hoặc tham gia các câu lạc bộ nói tiếng Anh.

Đồng thời, các kỹ năng như giao tiếp, lãnh đạo, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, hay làm việc nhóm rất quan trọng trong nghề nghiệp sau này. Sinh viên có thể tham gia khóa học ngắn hạn hoặc đọc sách về những chủ đề này.

Các em cũng có thể dùng thời gian rảnh để tham gia hoạt động ngoại khóa. Tham gia câu lạc bộ, tổ chức hoặc nhóm tình nguyện sẽ giúp các bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp và kết nối với bạn bè. Đây cũng là cơ hội để sinh viên xây dựng mạng lưới quan hệ xã hội.

Chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cũng quan trọng. Chăm sóc sức khỏe tinh thần là một phần quan trọng giúp duy trì sự cân bằng trong cuộc sống, giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các bạn nên ngủ đủ giấc để giúp cơ thể và tâm trí hồi phục sau một ngày dài đi học. Đặc biệt, tránh sử dụng thiết bị điện tử hoặc uống cà phê gần giờ đi ngủ. Các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, yoga hay thể dục nhịp điệu giúp tăng cường sản xuất endorphins (hormone vui vẻ), giảm căng thẳng, giúp cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần.

Sinh viên có thể dành 1 - 2 tiếng để nghỉ ngơi bằng cách làm những điều mình yêu thích như xem phim, đọc sách, nghe nhạc hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Đôi khi, các em có thể tìm kiếm niềm vui từ những điều đơn giản như nấu ăn, làm đồ thủ công, vẽ tranh, chơi nhạc cụ hay chăm sóc cây cối để tinh thần được thư thái và thoải mái.

Với sinh viên đi học xa nhà có thể dành thời gian để hỏi thăm gia đình, chia sẻ câu chuyện với bạn bè và người thân, điều này giúp giảm cảm giác cô đơn và tạo ra sự cân bằng trong cuộc sống. Đừng ngần ngại chia sẻ cảm xúc của mình với người khác hoặc tìm đến chuyên gia nếu cảm thấy căng thẳng, lo âu hay trầm cảm trong học tập.

Tận dụng thời gian rỗi để nghiên cứu các cơ hội nghề nghiệp, viết CV, tìm hiểu về các ngành nghề và chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn xin việc là một gợi ý. Thời gian rỗi là khoảnh khắc vàng để sinh viên đánh giá lại mục tiêu học tập và nghề nghiệp của mình, từ đó điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp.

Lê Vũ Phương Anh - sinh viên năm 2, ngành Ngôn ngữ Nga, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM): Tỉnh táo để không bị mạng xã hội chi phối

tran-trong-tung-phut-giay-1.jpg
Lê Vũ Phương Anh.

Những khoảng trống trong ngày sau lịch cố định như đi học, hoạt động cùng câu lạc bộ văn nghệ, em thường cố gắng dành cho hoạt động hữu ích. Chẳng hạn như, vào buổi chiều sau khi kết thúc giờ học trên trường, em sẽ đi bộ dưới sân chung của ký túc xá.

Ngoài ra, vào buổi tối em sẽ đọc sách hoặc đến những nơi thanh tịnh như chùa để đọc kinh, lễ Phật. Đôi khi em ghé những quán cà phê ấm cúng, ít người để tận hưởng khoảng thời gian một mình.

Vào ngày đầu tiên của tuần, em sẽ dành một khoảng thời gian để sắp xếp lịch học và các hoạt động bằng Google Calendar. Em phân bổ phần lớn thời gian cho việc học tập, sau đó là hoạt động câu lạc bộ và cho bản thân. Trước mỗi sự kiện, em đều đặt lịch nhắc để có thể chủ động trong công việc cũng như sắp xếp mọi thứ hợp lý hơn, kể cả những trường hợp khẩn cấp.

Khi lập thời gian biểu trước như vậy, em thấy có nhiều lợi ích. Đầu tiên, là tăng cường hiệu quả học tập, dễ dàng phân bổ thời gian cho từng môn học và hoạt động cụ thể, giúp em tập trung vào việc học mà không bị xao nhãng. Thứ hai, đây là một cách giúp giảm căng thẳng và cảm giác quá tải. Em có thể chủ động hơn trong việc hoàn thành bài tập và ôn thi.

Em đã và đang cố gắng duy trì thói quen này, hạn chế dùng mạng xã hội để không bị lệ thuộc vào nó. Hy vọng nhiều bạn trẻ cũng có thói quen lập thời gian biểu, tập trung chăm sóc và phát triển bản thân như định hướng để thành công hơn trong tương lai.

Tống Thanh Thảo - sinh viên năm 4 (Khoa Y, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện khám chữa bệnh cùng trường và các bệnh viện. Thảo cho hay, tham gia hoạt động này mang lại cho bản thân nhiều lợi ích thiết thực như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm…

“Em có cơ hội giao tiếp trực tiếp với người bệnh, cải thiện khả năng lắng nghe, giải thích thông tin y tế và tư vấn các phương pháp điều trị, sử dụng thuốc. Đồng thời, tham gia khám chữa bệnh từ thiện còn giúp em tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, từ đó nâng cao hiểu biết về các bệnh lý phổ biến, phương pháp điều trị và sử dụng thuốc trong thực tế”, Thanh Thảo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.